Lợi dụng xu hướng người tiêu dùng (NTD) ngày càng ưa chuộng hàng trong nước, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng gắn mác “made in Việt Nam” nhưng thực chất đó là hàng Trung Quốc giá rẻ…
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam” phổ biến nhất là các mặt hàng thời trang (quần áo, giày dép…) và hàng gia dụng, thực phẩm. Tại TP Hồ Chí Minh, những địa chỉ kinh doanh nhiều các mặt hàng có “vỏ” là “made in Việt Nam” nhưng “ruột” là hàng Trung Quốc thì ngoài một số chợ truyền thống, còn có các trung tâm thương mại như Taka plaza, Saigon Square (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1)… Khi thấy tôi có ý định mua hàng, chị K, chủ sạp giới thiệu một số thương hiệu như: Place, Gap, Nike, Tommy Hilfiger, Papaya, Premium, Justice West… là hàng xuất khẩu có gắn mác “made in Việt Nam”.
Theo giải thích của chị K., các sản phẩm này là do các công ty trong nước gia công cho thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, trong các lô hàng gia công có một số sản phẩm bị thừa, hoặc vài sản phẩm bị lỗi không xuất được nên các công ty gia công “bỏ” lại cho các tiểu thương. Vì vậy, các sản phẩm này mang mác “made in Việt Nam” nhưng chất lượng “ngoại” nên được tiêu thụ rất mạnh.
Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều sản phẩm may mặc bên cạnh mác “made in Việt Nam” in trên cổ áo thì vẫn còn nhãn mác “made in China” mà các tiểu thương chưa kịp cắt bỏ như: đầm trẻ em hiệu Disney, quần trẻ em Hello Kitty… Sở dĩ các tiểu thương tráo nhãn hàng có xuất xứ Trung Quốc sang hàng xuất xứ Việt Nam vì giá bán sẽ cao hơn và dễ tiêu thụ hơn. Chẳng hạn như đầm trẻ em hiệu Disney hàng Trung Quốc giá chỉ 70.000 - 80.000đ/cái, nhưng thay bằng mác “made in Việt Nam” thì giá lên tới 160.000 - 170.000đ/cái.
Không chỉ mặt hàng thời trang, hiện mặt hàng điện máy, điện gia dụng bán tại một số cửa hàng, siêu thị là hàng Trung Quốc nhưng được “ngụy trang” dưới mác “made in Việt Nam” cũng đang được bày bán khá phổ biến. Chị Nguyễn Phi (ngụ quận 10) cho biết, chị mua tại một siêu thị điện máy lớn (trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) một nồi ủ là hàng Việt Nam nhãn hiệu Panasonic với giá 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi mua về kiểm tra lại, chị mới phát hiện đây là hàng Trung Quốc nhái nhãn hiệu Panasonic. Đáng ngại hơn, ngay cả thực phẩm, hóa mỹ phẩm của Trung Quốc cũng “đội lốt” là hàng Việt Nam để lừa NTD. Điển hình với mặt hàng bột ngọt, mới đây lực lượng QLTT liên tục kiểm tra phát hiện hàng chục kilogam bột ngọt là hàng nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc.
Theo đánh giá của Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, phần lớn số vụ vi phạm mà lực lượng QLTT kiểm tra phát hiện là hàng tiêu dùng nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc do giá rẻ, đa dạng. Các mặt hàng này nhập lậu vào TP Hồ Chí Minh từ nhiều nguồn.
Một cán bộ Chi cục QLTT cho biết, thực tế để xác định nguồn gốc thực của hàng đội lốt “made in Việt Nam” rất khó nếu không bắt quả tang tận nơi sản xuất. Họ thường đặt sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc với nhãn mác “made in Việt Nam” rồi đưa ngược về Việt Nam tiêu thụ.
Theo T.Hà
Công an nhân dân