Cập nhật lúc:
12/20/2011 7:42:02 AM
Chiều 10/6/2009, Công Ty Truyền thông Liên kết Kinh doanh - Binzlink Media đã tổ chức Tọa đàm " Chất lượng & thương hiệu nước mắm với Người tiêu dùng. BTC đã mời 35 đại biểu CLB NTD Nữ tham dự & mời Chủ nhiêm CLB phát biểu với vai trò là tiếng nói của NTD. Sau đây xin giới thiệu Thông cáo báo chí của BTC & Bài phát biểu của CLB chúng tôi đưa vào mục " Trao đổi ý kiến NTD"
THÔNG CÁO BÁO CHÍ - Kiểm soát vi khuẩn gây hại trong nước mắm
Chiều ngày ngày 10/6/2009 tại Trung Tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, Công ty Bizlink Media sẽ tổ chức Tọa đàm mang tên: “Chất lượng – Thương hiệu nước mắm với người tiêu dùng”. Tọa đàm còn có sự bảo trợ của Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh Thực phẩm), Tổng cục Tiêu chuẩn đo Lường chất lượng, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nội dung chính của Tọa đàm tập trung vào vấn đề lớn hiện nay đó là: Vi khuẩn gây hại đang tồn tại trong nước mắm. Làm thế nào để kiểm soát được và đảm bảo chất lượng nước mắm không có vi khuẩn gây hại và những vấn đề nổi cộm khác.
Tiêu chuẩn sản xuất nước mắm
Từ lâu, nước mắm là một thứ gia vị không thể thiếu trong bữa cơm của nhiều gia đinh. Nhưng gần đây, hiện tượng “nước mắm có vi khuẩn gây bệnh” khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng về chất lượng nước mắm trên thị trường hiện nay.
PGS. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia nói về tiêu chuẩn sản xuất nước mắm như sau: Tất cả các nhà sản xuất nước mắm làm từ cá chượp muối hiện nay đều phải áp dụng tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 (thay thế TCVN 5107:93 và TCVN 5526:91) do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn thuộc Bộ Khoa học & công nghệ ban hành. Tiêu chuẩn này có quy định các chỉ tiêu hoá học về hàm lượng nitơ toàn phần, nitơ axit amin, hàm lượng muối… và các chỉ tiêu sinh vật như tổng số vi sinh vật hiếu khí, số khuẩn lạc Coliform, Ecoli, Cl.perfringens, S.aureus, tổng số bào tử nấm men, nấm mốc… trong 1ml tối đa cho phép.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam về vi sinh của sản phẩm nước mắm có 5 chỉ tiêu đó là: Thứ nhất là: Vi khuẩn hiếu khí (VKHK): không vượt quá 105 (khuẩn lạc/1 ml). Thứ hai là: Men mốc: không vượt quá 10 (khuẩn lạc/1 ml). Thứ ba: khuẩn gây ngộ độc thực phẩm: Staphylococcus aureus, E. Coli: không được có; Thứ tư khuẩn Coliforms: không vượt quá 100 (khuẩn lạc/1 ml); Thứ năm khuẩn Clostridium perfgingens: không vượt quá 10 (khuẩn lạc/1 ml),
Trong đó, hàm lượng đạm là một trong những yếu tố để chia mức chất lượng cho nước mắm. Chẳng hạn loại đặc biệt có độ đạm từ 30 độ N trở lên, loại hạng 1 khoảng 15 độ N, loại hạng 2 (thấp nhất mà nước mắm tối thiểu phải có) từ 10 độ N trở lên.
Để sản phẩm có độ đạm cao hơn, nhà sản xuất có thể dùng hai cách: cô đặc bằng cách rút nước, tạo nên nước mắm có 50 - 60 thậm chí 70 độ đạm. Hoặc đưa urê vào nước mắm, nhưng cách này ít dùng vì chỉ tăng được hàm lượng đạm toàn phần rất ít và dễ làm thay đổi hương vị nước mắm.
Theo tài liệu của Food Chemistry công bố tháng 3.2007, nước mắm ngon chủ yếu dựa vào các axit amin từ chất đạm trong cá. Ngoài urê, độ đạm tính theo nitơ toàn phần mà nhiều người tiêu dùng quan tâm, trong nước mắm còn có vài chục chất khác nhau có thể gây tác động đến cơ thể: như histamin có thể gây dị ứng, hoặc sản phẩm kém chất lượng chứa các vi khuẩn gây bệnh… Trên thị trường, cách tính để công bố độ đạm cao hiện nay thường tính bằng nitơ toàn phần, còn thực tế nước mắm ngon và nhiều dưỡng chất phải dựa vào hàm lượng nitơ axit amin.
Nhà sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn và cần tăng cường giám sát
Theo kết quả kiểm nghiệm của các Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, vi khuẩn Clostridium perfringens có trong nước mắm của nhiều DN sản xuất thường vượt mức cho phép lên đến 10-12 lần sẽ gây hại tới đường tiêu hóa và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất khi kiểm tra còn phát hiện có vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus - quy định không được phép hiện diện trong thực phẩm.
Hiện Nhà nước để nhà sản xuất tự kiểm tra và đưa sản phẩm ra thị trường. Nhiều câu hỏi nêu ra là liệu Các DN sản xuất tự đăng ký và công bố chất lượng, còn việc hậu kiểm chất lượng sản phẩm thực tế có đúng với chất lượng công bố hay không thì cũng chưa được quan tâm nhiều nên dẫn tới tình trạng chất lượng nước mắm chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Theo Tiến sỹ Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ Người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, chính việc chưa được quan tâm nhiều tới việc giám sát sản xuất của hệ thông doanh nghiệp nên dẫn tới tình trạng chất lượng nước mắm chưa kiểm soát được chuẩn về vi khuẩn gây hại, các chất phụ gia gây độc có trong nước mắm cũng như về độ đạm có đúng như doanh nghiệp công bố hay không... Tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều cho biết, người tiêu thụ rất quan tâm đến sự hiện diện của các loại hoá chất độc trong thực phẩm. Không ai có thể biết được những gì sẽ xảy ra cho sức khỏe chúng ta trong hai ba chục năm sau? Giới kỹ nghệ đã cảm nhận điều này và để trấn an người tiêu thụ nên thỉnh thoảng chúng ta thấy trên một một vài loại sản phẩm có đề thêm câu: Không có thêm chất bảo quản, không có hóa chất, không có hàn the (sans agent de conservation, pas d’additifs, no preservatives added), v.v…
Trong khi thực tế, các chất được cho vào làm phụ gia sản xuất nước mắm được bày bán khá phổ biến. Các hóa chất cấm, không phải gây ngộ độc ngay như thuốc độc mà tích tụ từ từ trong cơ thể, đến một liều lượng nhất định nào đó mới gây ra bệnh ung thư hay các bệnh khác thì cũng chưa được kiểm soát.
Các cơ quan chức năng sẽ đưa ra những giải pháp gì? Làm thế nào để người tiêu dùng có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm an toàn, được đảm bảo về chất lượng và tin tưởng ở nơi nhà sản xuất? Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm sẽ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và thực hiện nghiêm túc những gì pháp luật quy định và đã cam kết với người tiêu dùng?
Tiến sĩ Hà Ngọc Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty Bizlink Media - Trưởng ban Tổ chức cho biết: “Nước mắm là thực phẩm phục vụ cho hàng triệu người dân Việt Nam và gần đây cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện nhiều vấn đề như vi gây hại, Ure, Melamine… Với tư cách là ban tổ chức, chúng tôi tâm huyết tổ chức nên một diễn đàn nhằm làm cầu nối giữa cơ quan chức năng – doanh nghiệp – và người tiêu dùng. Qua đây, Cơ quan chức năng sẽ có cái nhìn sát thực tế hơn để ra những chính sách phù hợp và tích cực hơn, còn doanh nghiệp thì có cơ hội nêu lên những bức xúc, khó khăn của mình để kiến nghị với cơ quan nhà nước. Phía người tiêu dùng, họ có thêm kiến thức lựa chọn sản phẩm phù hợp và tốt cho gia đình”.
Buổi tọa đàm sẽ là cơ hội để người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp cùng trao đổi với các cơ quan chức năng nhằm có được những thông tin đúng đắn nhất về chất lượng, thương hiệu nước mắm. Những ý kiến tham luận sẽ được đưa ra và những thắc mắc sẽ được giải đáp. Vì thế, toạ đàm “Chất lượng – thương hiệu nước mắm với người tiêu dùng” chính là cơ hội của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng được trực diện tìm hiểu về nhau để sao cho người tiêu dùng có kiến thức chọn sản phẩm tốt cho gia đình mình, còn doanh nghiệp có thể nêu kiến nghị về những khó khăn của mình với các cơ quan chức năng và cung cấp thông tin chính thống tới giới truyền thông và người dân.