Niêm yết được vài năm, vấp phải giai đoạn kinh tế vĩ mô đứng trước nhiều thách thức, không ít doanh nghiệp bị buộc rời sàn vì thua lỗ hoặc tự nguyện dừng cuộc chơi. Những đơn vị bám sàn cũng đang mệt mỏi với vô vàn áp lực bủa vây.
Chủ tịch HĐQT một công ty đa ngành niêm yết tại HOSE đang gánh giá trị hàng tồn kho chiếm gần 70% tài sản doanh nghiệp nói với VnExpress.net: "Năm nay chúng tôi chắc chắn không thể nào cán đích doanh thu như kế hoạch đề ra. Cổ đông sẽ quở trách, nổi giận nhưng kinh tế quá khó khăn nên không thể làm gì hơn".
Lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, những gánh nặng doanh thu sụt giảm, nợ xấu tăng, hàng tồn ngày một lớn, thêm vào đó giá cổ phiếu trên sàn cứ trượt dài (đang ở mức dưới mệnh giá), phải công bố thông tin... đã khiến cả bộ máy mỏi mệt, kiệt quệ. "Nếu có thể lựa chọn, tôi thà không niêm yết lên sàn để giảm những sức ép khủng khiếp như hiện nay. Tình hình rất xấu nhưng chưa biết đâu là đáy khủng hoảng", vị này than.
Trong khi đó, đứng trước áp lực dòng tiền eo hẹp và vẫn phải đảm bảo quyền lợi cổ đông, Công ty Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) chọn cách giải tỏa sức ép bằng cách bán rẻ sản phẩm. PDR đã mở bán 75 căn biệt thự, nhà phố The EverRich 3 với giá 40 triệu đồng mỗi m2, thấp hơn mức kỳ vọng (80-100 triệu đồng mỗi m2). Tuy nhiên, PDR đang khá chật vật cải thiện thanh khoản trong điều kiện phân khúc nhà đất cao cấp ít giao dịch và kế hoạch doanh thu năm nay (303 tỷ đồng) trở thành thách thức không hề nhỏ.
|
Giá cổ phiếu giảm dù làm ăn có lãi, hàng tồn, nợ đọng lớn, thanh khoản thấp là những áp lực đang bủa vây doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn. Ảnh: B.H
|
Với Công ty Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán VPH), sức ép từ nợ đọng và hàng tồn khiến doanh nghiệp này lập hẳn danh sách các tài sản phải bán bớt. VPH đang thanh lý đất dự án quận 9 và bán đất xây cao ốc văn phòng tại đường Hoàng Quốc Việt. Ngoài ra, đơn vị này còn lên kế hoạch rút vốn từ các công ty liên kết nhằm tập trung tài chính bổ sung nguồn vốn cho công ty trong giai đoạn khó khăn.
Với các doanh nghiệp sản xuất, áp lực nặng nề nhất là thị giá cổ phiếu ngày càng đi xuống dù kinh doanh có lãi. Đơn cử trường hợp của Công ty cổ phần Gò Đàng (mã chứng khoán AGD) xin hủy niêm yết khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ bởi tình hình làm ăn kinh doanh đơn vị này vẫn ổn định. Cổ phiếu AGD đối mặt với tình trạng rớt giá liên tục. Thời điểm hủy niêm yết, giá một cổ phiếu AGD là 35.800 đồng, giảm 10.200 đồng so với một năm trước.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc Công ty Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) – Hồ Quốc Lực cho biết giá cổ phiếu FMC hiện dao động quanh mức 11.600 đồng, nhưng như vậy vẫn nằm dưới giá trị thực của doanh nghiệp, chưa kể cả giá trị thương hiệu. “Bản thân cổ phiếu công ty sau khi làm loãng, giá thấp nhất cũng phải 13.000 đồng mới đúng”, ông Lực nói thêm.
Theo đánh giá của đại diện Chứng khoán SBS, áp lực lớn nhất các công ty niêm yết phải đối mặt là công bố thông tin. Trước khi lên sàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng công bố thông tin là trách nhiệm phải làm và chưa đánh giá hết lợi ích của nhiệm vụ này cho cổ đông.
“Chỉ có doanh nghiệp không minh bạch mới thấy việc niêm yết là áp lực. Dù vậy, ngoài chuyện công bố thông tin, các công ty cũng chịu áp lực bị thâu tóm khi giao dịch trên sàn. Khả năng xảy ra điều này không lớn, nhưng vẫn có thể xuất hiện”, đại diện SBS chia sẻ.
Nhận xét về vấn đề này, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, Lê Đình Minh Phương cho biết: "Áp lực đang bủa vây các doanh nghiệp niêm yết khi kinh tế khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lên sàn bao gồm quyền lợi và nghĩa vụ, doanh nghiệp không nên vì cái khó trước mắt mà bỏ giữa chừng".
Ông Phương phân tích, xét mục tiêu trung và dài hạn, niêm yết trên sàn chứng khoán là cơ hội để huy động vốn cũng như tiếp cận được nhiều đối tác, hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng thương hiệu. Trước khi niêm yết, doanh nghiệp đã lường được những áp lực sẽ phải đối mặt và cân nhắc mặt thuận lợi hay thách thức. "Chính vì thế, nếu đã nhập cuộc, vấp phải khó khăn thì phải lỳ đòn chấp nhận để vượt qua", ông nói.
Theo ông, minh bạch thông tin thực tế không phải là áp lực mà là cơ hội để doanh nghiệp củng cố niềm tin, khẳng định uy tín đối với nhà đầu tư. Thua lỗ, hàng tồn, nợ đọng, giá cổ phiếu giảm... chỉ là trong ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn còn thời gian để nỗ lực vượt khó và cải thiện các chỉ số. "Nhà đầu tư luôn đánh giá cao những đơn vị công bố đầy đủ thông tin. Nếu vì một lý do nào đó doanh nghiệp thoái thác nghĩa vụ này, họ sẽ gặp bất lợi vì mất điểm trước cổ đông và đối tác", ông Phương cho hay.
Hà Thanh - Tường Vi