Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà thịt 120.000 con ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cho biết công ty chăn nuôi Japfa Việt Nam (đơn vị thuê người chăn nuôi gia công gà) vừa thông báo gia đình ông phải nghỉ chăn nuôi hai tháng. Nhiều chủ trại gà ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu đang nuôi gà gia công cho các công ty nước ngoài như Japfa, C.P, Emivest cũng được yều cầu ngưng nuôi hoặc giảm đàn từ 30 – 50%...
Càng nuôi càng lỗ
Là một trong số hàng trăm chủ trại gà chuyên nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, ông Nguyễn Văn Ngọc nói rằng hàng chục năm nay chưa có năm nào giá gà công nghiệp lại duy trì ở mức quá thấp và kéo dài từ tháng 11 năm ngoái cho đến hiện nay. Theo ông Ngọc, do giá gà lông bán ra chỉ bằng 30 – 50% giá thành nên cả công ty lẫn người nuôi gia công đều lỗ nặng.
“Người chăn nuôi thì không nhận được tiền nuôi gia công, còn công ty thì mất vốn, thua lỗ liên miên”, ông Ngọc nói.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc công ty chăn nuôi Japfa xác nhận thông tin trong ba tuần trở lại đây công ty đưa ra yêu cầu kéo giãn thời gian thả đàn mới từ một tháng rưỡi cho tới hai tháng, đồng thời giảm 50% số lượng đàn. “Sở dĩ chúng tôi buộc phải áp dụng giải pháp giảm đàn gà lúc này là vì thời gian qua giá gà lông tụt giảm xuống mức quá thấp, công ty bị thua lỗ rất nặng nề”, ông Trung nói.
Đại diện công ty C.P, Emivest cũng xác nhận biện pháp giảm 30 – 50% đàn gà thịt. Ông Chamnan, phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi C.P cho hay, công ty này áp dụng loại bớt 30% đàn gà đẻ từ hơn một tháng nay để giảm đàn gà thịt nhằm cắt lỗ. “Gà đẻ đưa vào giết thịt sẽ giảm số trứng ấp ra gà giống, hòng giảm đàn gà thịt”, ông Chamnan cho biết.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, từ tháng 11.2011 đến nay, giá thành mỗi ký gà trắng công nghiệp tại trại từ 30.000 – 32.000 đồng, trong khi giá bán vào khoảng 20.000 – 22.000 đồng. Hồi tháng 7, tháng 8 năm nay, giá bán có lúc giảm còn 13.000 – 15.000 đồng. Tính ra, một con gà xuất chuồng trọng lượng từ 2,5 – 2,8kg, công ty bị lỗ ít nhất 25.000 – 30.000 đồng.
“Chúng tôi phải giảm đàn để cắt lỗ bởi vì công ty có tồn tại thì mới duy trì phát triển tại Việt Nam được”, ông Nguyễn Quốc Trung nói. Với sản lượng gà xuất chuồng trung bình mỗi tháng 1,6 triệu con, chỉ tính từ tháng 3.2012 đến nay, trung bình mỗi tháng công ty Japfa lỗ 45 – 50 tỉ đồng.
Nguy cơ hụt 2,8 triệu con gà/tháng
Japfa, C.P và Emivest là ba doanh nghiệp nước ngoài chi phối thị phần thịt gà trắng công nghiệp tại thị trường Việt Nam. Chỉ tính riêng các tỉnh khu vực phía Nam (từ các tỉnh Đà Nẵng trở vào), sản lượng gà xuất chuồng trung bình mỗi tháng của ba công ty này xấp xỉ 5,7 triệu con.
Trong đó, C.P cung ứng khoảng 2,5 triệu con, Japfa khoảng 1,6 triệu con, còn lại là Emivest. Do giá phù hợp nên nguồn cung gà trắng này đáp ứng nhu cầu của tầng lớp thu nhập thấp tại các thành phố lớn, trong đó phải kể đến các bếp ăn công nghiệp, quán cơm tập thể. Tại TP.HCM, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 120.000 – 140.000 con gà, trong đó hơn 2/3 là gà trắng công nghiệp của các doanh nghiệp trên.
Theo tính toán, khi giảm 30 – 50% tổng đàn, đồng nghĩa với việc thị trường sẽ thiếu hụt một nửa sản lượng thịt, tương đương 2,8 triệu con gà mỗi tháng. Do chu trình nuôi khoảng sáu tuần, nên việc hụt nguồn cung sẽ có tác động vào tháng 12. Ông Trung dự đoán: “Tôi nghĩ rằng các công ty bắt đầu áp dụng giảm đàn từ cuối tháng 10 thì chỉ trong vòng khoảng một tháng sau, tức đầu tháng 12 tới đây thị trường thực phẩm sẽ có biến động”.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, giá gà lông ở mức thấp và kéo dài như trong thời gian qua hoàn toàn không phải do nguồn cung trong nước dư thừa, mà chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng giảm sút. “Năm nay, nhu cầu tiêu thụ thịt nói chung giảm ít nhất 15 – 20%”, ông Chamnan (công ty C.P) tính toán. Ông Nguyễn Quốc Trung cho hay, trong vòng mười tháng đầu năm 2012 cả nước vẫn nhập khẩu trên dưới 60.000 tấn thịt các loại với mức giá rất rẻ. “Các công ty đã không lường trước được là thịt nhập về nhiều đến như vậy”, ông Trung thừa nhận.
Theo Hoàng Bảy
SGTT