Cập nhật lúc:
10/17/2014 8:54:51 AM
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á năm 2014.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh thu trên 80 tỷ USD trong năm 2014, và lên tới 100 tỷ USD vào năm 2016.
Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, chiếm khoảng 78%. Trong năm 2013, 53% người mua hàng chi tiêu nhiều nhất ở chợ và tần suất họ ghé chợ khoảng 21,5 lần mỗi tháng. Tuy nhiên, những cửa hàng tiện lợi lại đang bắt đầu có xu hướng phát triển và có tốc độ mở rộng nhanh.
Theo dự đoán của Economist Intelligence Unit, châu Á sẽ là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng thị trường bán lẻ toàn cầu, với lũy tiến vào năm 2016 đạt 6,8%, tương ứng giá trị khoảng 11.800 tỷ USD. Điều này cho thấy, ngành bán lẻ tại Việt Nam đang có tín hiệu lạc quan, nhưng cũng đầy thách thức khi thị phần lại rơi vào tay hầu hết các đại gia lớn, đặc biệt là “hàng xóm” Thái Lan.
Tính đến năm 2012, các tập đoàn bán lẻ ngoại đã lấn lướt doanh nghiệp bán lẻ trong nước khi chiếm tỷ lệ 40% (so với 25% của các doanh nghiệp trong nước). Tính tới thời điểm này, Co.opmart, BigC và Metro được xem là 3 nhà bán lẻ hàng đầu, chưa kể thêm những chuỗi cửa hàng hiện đại, nhưng chỉ có Co.opmart là doanh nghiệp Việt Nam.
Ở các nước châu Á khác, do đã dự đoán tình hình cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ, hầu hết đã có những chiến lược giữ vững thị trường của mình. Điển hình như Nhật Bản, chính phủ đứng ra làm trung gian điều chỉnh và đảm bảo chuỗi giá trị bán lẻ bằng cách lập ra các tổng kho và trung tâm phân phối chính. Các siêu thị kiểu Metro bao tiêu từ A đến Z cho nông dân. Còn tại Hàn Quốc, chính phủ đã ban hành lệnh cấm các chuỗi bán lẻ lớn mở thêm cửa hàng mới ở thủ phủ của các tỉnh nhằm bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ cũng như chợ truyền thống.
Ngọc Trần