Cập nhật lúc:
10/17/2014 8:34:52 AM
Việc người Việt chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm để ra nước ngoài chữa bệnh được xem là cơ hội không thể bỏ qua đối với các tập đoàn chăm sóc sức khỏe lớn trên thế giới.
Bệnh viện công quá tải còn bệnh viện tư mới chập chững "ra ràng", Việt Nam đang mất hàng tỷ USD mỗi năm từ túi những người ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Một cựu sinh viên y khoa Việt Nam cho biết cô kiếm được 3.200 USD mỗi tháng, cao gấp 20 lần thu nhập của bạn bè nhờ kết nối khách hàng với các bệnh viện ở Singapore. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy riêng năm ngoái, khoảng 40.000 người Việt đã chi 2 tỷ USD cho việc đi khám chữa bệnh ở nước ngoài.
Bệnh viện tại Việt Nam được đánh giá là tốt nhưng đều bị quá tải. Ảnh: David Rochkind
Lý do của họ là không chấp nhận cảnh xếp hàng chen chúc chờ vào khám hoặc tình trạng thiếu giường ở các bệnh viện. Dù tỷ lệ chi tiêu cho y tế thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân.
"Đó là vấn đề lòng tin. Họ cảm thấy không an toàn ở Việt Nam", một cựu sinh viên Việt Nam nói. Theo cô, số lượng ít bệnh viện tư ở Việt Nam chỉ như giọt nước trong biển cả. Những người có tiền sẵn sàng đến khám chữa bệnh ở một nơi đắt hơn.
"Trang thiết bị là vấn đề lớn với y tế Việt Nam", Deepak Arora, một bệnh nhân người Ấn Độ ở Hà Nội nói. Dù đã tìm đến bác sĩ người Ấn tại đây, anh này cuối cùng vẫn quyết định về Ấn Độ chữa bệnh. "Các bệnh viện ở đây tốt nhưng đều bị quá tải", bệnh nhân này nhận xét.
Khu vực y tế tư nhân cũng khó chung vai gánh vác khi số lượng bệnh nhân tăng ngày một nhanh. Trong thập kỷ qua, số lượng bệnh viện tư tại Việt Nam tăng gấp 4 lần lên 170. "Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số đó đã chết hoặc đang chết dần", ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư Việt Nam cho biết.
Trước thực tế này, Chính phủ Việt Nam đang chào đón các nhà đầu tư quốc tế đến để lấp đầy khoảng trống, với nhiều ưu đãi được đưa ra theo phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tháng trước.
Trong số các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam có Bệnh viện Bumrungrad từ Thái Lan, Tập đoàn Lippo từ Indonesia. Ngoài ra, Tập đoàn IHH Healthcare của Malaysia cũng đang đi khảo sát mặt bằng ở Hà Nội.
Nhiều nhà đầu tư ngoại đang muốn chen chân vào thị trường khám - chữa bệnh tại Việt Nam. Ảnh: David Rochkind
"Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam, nơi rất có tiềm năng", một đại diện của Tập đoàn chăm sóc sức khỏe KPJ Healthcare của Malaysia nói. Công ty này đang muốn mở dịch vụ tư vấn và quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. "Nếu chúng ta ước tính 10% dân số có khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân, ở Việt Nam con số này tương đương 9 triệu người", đại diện này tính toán.
Theo báo cáo của nhà tư vấn Knight Frank, Việt Nam nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu lớn nhất. Cách đây 10 năm, cả nước có 110 người nắm giữ tài sản trị giá 30 triệu USD trở lên. Còn hiện nay con số này là 293 người. Dự kiến đến năm 2020, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ nhiều gấp 5 lần hiện nay.
Nhiều người giàu nhưng lựa chọn của họ lại bị giới hạn. Hiện nay, khu vực bệnh viện tư nhân chỉ đủ phục vụ nhu cầu của 7% người Việt Nam. Trong khi đó, khu vực công vẫn chịu áp lực từ lượng khách quá đông. Thời gian chờ trung bình từ 4 đến 7 tiếng và tỷ lệ sử dụng giường bệnh lên đến 170%, theo số liệu của Bộ Y Tế.
Năm 2012, chi phí cho chăm sóc sức khỏe và y tế của Việt Nam cao nhất trong khu vực nếu so với về tỷ lệ chi trên GDP, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên nếu so riêng về tỷ lệ chi, mức chi 102 USD trên mỗi đầu người vẫn thấp hơn nửa so với Thái Lan, bằng một phần tư Malaysia và bằng 4% người Singapore.
Anh Đức (theo Reuters)