Một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rơi vào thế khó đã khẩn cấp kêu oan.
Các “ông lớn” nhất tề đứng đơn
Ngay sau Tết Dương lịch 2014, lá đơn “Kiến nghị khẩn cấp về việc thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trái pháp luật” được 6 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, có trụ sở chính hoặc chi nhánh ở tỉnh Đắk Lắk cùng ký tên, đóng dấu gửi đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh và trung ương. Trong đó có 4 DN nội là 2-9 Đắk Lắk, Phước An, Anh Minh, chi nhánh tập đoàn Intimex, cùng 2 DN ngoại là Dakman Việt Nam và Olam Việt Nam.
Theo đơn, 6 DN này luôn thực hiện đúng các quy định về thuế, hóa đơn, chứng từ. Việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế GTGT, mua hàng, nhập kho, thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng của họ cùng các đối tác đã được Cục Thuế tỉnh kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng.
Thế nhưng, chỉ vì họ có một số giao dịch mua bán với “một số công ty liên quan, trong đó có Cty TNHH Thương mại Phước Bảo”, mà Cục Thuế buộc họ phải truy hoàn thuế hàng chục tỷ đồng, dù khoản tiền hoàn thuế này các DN đã thanh toán hết cho người bán hàng. 6 DN kêu cứu: “Việc truy hoàn thuế đầy bất công, ngang trái này đã đẩy các DN chúng tôi vào tình trạng vô cùng khó khăn, nguy cơ đứng bên bờ vực của sự phá sản”.
Theo số liệu được xác nhận bởi Phòng Kiểm tra Thuế số 1 - Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, riêng 6 “ông lớn” này bị xử lý thu hồi hoàn thuế GTGT tổng cộng hơn 56,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế trên 2,5 tỷ đồng. Cty TNHH Anh Minh bị yêu cầu thu hồi hoàn trên 22,4 tỷ đồng.
“Bắt lầm hơn bỏ sót”
Sự việc bắt nguồn từ năm 2012, khi nhiều DN kinh doanh cà phê tại Đắk Lắk và một số tỉnh thành khác ký nhiều hợp đồng mua cà phê của các DN mang tên Phước Bảo, Phát Đại Long, Song Long Đạt, Hồng Minh Đạt…, và được cơ quan thuế cho phép khấu trừ thuế GTGT theo quy định.
Cuối năm 2013, phát hiện hàng loạt DN “ma”, Cty “lừa” do những băng nhóm tội phạm thành lập đang hoạt động rất tinh vi, lợi dụng kẽ hở của quy trình hoàn thuế GTGT trong lĩnh vực mua bán, xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên để chiếm đoạt nhiều trăm tỷ đồng tiền ngân sách, ngành thuế Đắk Lắk phối hợp cơ quan điều tra Bộ Công an truy quét liên tỉnh.
Tiếp đó, ban hành hàng loạt công văn, quyết định truy hoàn thuế, với số tiền lên tới gần 100 tỷ đồng, vì phát hiện nhiều chứng từ giao dịch liên quan các Cty lừa là hóa đơn khống, phải tạm “khoanh vùng” chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
Ông Đỗ Huyệt, Phó Tổng giám đốc Cty 2-9 (tên giao dịch quốc tế Simexco, DN thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk), khẳng định với PV Tiền Phong: Sẽ đấu tranh đến cùng để ngành thuế dỡ bỏ việc thu hồi tiền hoàn thuế GTGT.
Từ việc thanh tra hoạt động Cty TNHH Thương mại Phước Bảo tại 117 thôn Tân Hưng (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), phát hiện có những ngày Phước Bảo giao dịch lũy kế lên đến hàng trăm tỷ đồng mà không thấy hàng hóa đâu, Cục Thuế đã lần ra quan hệ móc xích giữa Cty này với hàng loạt DN có dấu hiệu bất minh khác ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, TPHCM.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Chuẩn, Cục phó Cục Thuế Đắk Lắk, cho biết: Việc truy thu hoàn thuế xuất phát từ nhiều công văn Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về việc siết quản lý các DN thành lập với mục đích mua bán hoá đơn GTGT để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Việc triển khai tích cực các hoạt động theo chỉ đạo của cấp trên đã giúp ngành thuế ứng phó hiệu quả và quét sạch hàng loạt DN “đen” ra khỏi địa bàn.
Tuy nhiên, trước tiếng kêu cứu của các “ông lớn” cà phê, ngày 13/1, Cục thuế tỉnh gửi công văn lên Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, thừa nhận biện pháp dừng khấu trừ thuế GTGT đối với các DN trung gian hiện nay có phần vì “sợ trách nhiệm và tránh rủi ro cho cán bộ thuế”. Vì vậy, Cục đề nghị được hướng dẫn cụ thể, để có cơ sở tháo gỡ vướng mắc cho các DN làm ăn chân chính.
Theo Hoàng Thiên Nga