Trước kia, rơm, rạ sau khi thu hoạch được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc chất đốt hàng ngày. Mấy năm trở lại đây, lượng rơm, rạ này chủ yếu được đốt ngay tại đồng, trên đường làng..., vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông, công trình thủy lợi, vừa làm hư hại đất canh tác, lãng phí nguồn tài nguyên. Bụi, khói rơm, rạ chứa các chất độc như: CO, CO2, SO, SO2... ảnh hưởng tới hệ hô hấp, gây viêm xoang, viêm phổi...
Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ làm mất cân bằng sinh thái, về lâu dài còn tác động xấu khiến đất đai suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng và chất lượng nông sản.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công ty CP Công nghệ sinh học triển khai thí điểm mô hình xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR, dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng giống vi sinh vật phân giải hữu cơ. Các chủng vi sinh vật này có khả năng phân giải nhanh và triệt để rơm, rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng. Sau khi được xử lý khoảng 30 ngày, rơm, rạ phân hủy thành phân ủ hữu cơ. Đây là sản phẩm tuyệt đối an toàn với người và động vật, nâng cao độ phì nhiêu cho đất.
Theo tính toán của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định, 1 ha lúa có khoảng 6 tấn rơm, rạ, sau khi xử lý bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR sẽ thu được 4 tấn phân ủ, cho lợi nhuận bình quân 4 triệu đồng/ha.
Dựa vào nguồn nguyên liệu rơm, rạ sẵn có, những năm trước đây, Nam Định đã phát triển nghề trồng nấm cho bà con nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 xã, thị trấn phát triển nghề này, với khoảng 20 mô hình nuôi trồng, chế biến có quy mô từ 200-500 tấn nguyên liệu/mô hình/năm.
Mỗi tấn nguyên liệu gồm rơm, rạ, nguyên liệu chuyên dụng và ngày công, với tổng chi phí khoảng 5 triệu đồng, sẽ cho 150 - 200 kg nấm rơm (giá 100.000 - 130.000 đồng/kg); hoặc 250 - 300 kg nấm mỡ (giá 40.000 - 50.000 đồng/kg); hay khoảng 700 kg nấm sò (giá 25.000 - 30.000 đồng/kg)... Như vậy, dù trồng bất kỳ loại nấm nào, trong thời gian từ 1 - 3 tháng tùy từng loại, sau khi trừ chi phí, người nông dân vẫn có lãi ít nhất 5 - 6 triệu đồng/tấn nguyên liệu.
Nam Định đã tìm được hướng đi đúng trong việc xử lý rơm, rạ thành phân hữu cơ và trồng nấm. Tuy nhiên, lượng rơm, rạ sử dụng hiện nay vẫn còn rất nhỏ so với nguồn tài nguyên khổng lồ của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần triển khai và nhân rộng mô hình này để biến rơm, rạ thành nguồn thu nhập lớn cho người nông dân, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn và bảo vệ môi trường.
Theo Thảo My
Báo Công Thương