Để khắc phục tình trạng hàng chục nghìn cử nhân ngành giáo dục đang thất nghiệp, Bộ Giáo dục sẽ sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo ngành này.
Làm việc với Đại học Sư phạm TP HCM chiều 7/6, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cả nước có 117 cơ sở đào tạo ngành sư phạm là quá nhiều, phân tán khắp cả nước, dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm ra trường nhiều hơn nhu cầu thực tế.
Trước việc có khoảng 70.000 sinh viên học ngành sư phạm ra trường chưa xin được việc, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định sẽ chỉ đạo rà soát, quy hoạch lại các trường để nâng cao chất lượng giáo viên, đảm bảo sinh viên ra trường phải có việc làm. Cụ thể, sắp tới chỉ còn 8-9 cơ sở đào tạo sư phạm lớn, các cơ sở còn lại sẽ là phân hiệu.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Đại học Sư phạm TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Ông Nhạ lưu ý lãnh đạo Đại học Sư phạm TP HCM rằng, đây là trường trọng điểm phía Nam về đào tạo ngành sư phạm nên phải chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo. Bộ trưởng Nhạ yêu cầu nhà trường phải cập nhật các chương trình giảng dạy mới nhất từ nước ngoài, cần thiết phải nhập giáo trình tin học, công nghệ, tiếng Anh…ở các nước có nền giáo dục tiên tiến nhằm rút ngắn khoảng cách với thế giới, tiết kiệm thời gian.
Ông Phùng Xuân Nhạ thông báo, Bộ Giáo dục đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt nghị định về tự chủ đại học, theo hướng tăng các trường không thuộc bộ nào. Ông Nhạ nhận định việc tự chủ đại học là rất khó nhưng là việc phải làm. "Hy vọng sắp tới, tôi có dịp trở lại trường làm việc với tư cách Bộ Giáo dục làm việc với trường chứ không còn là cơ quan chủ quản", ông nói.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM – kiến nghị Bộ Giáo dục những giải pháp để trường có thể thực hiện tự chủ đại học trên mọi lĩnh vực.
"Muốn tăng nhanh số lượng các giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài, trường đề nghị Bộ tách chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho các trường sư phạm khỏi chỉ tiêu chung của đề án 911 (Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020) như hiện nay", ông Hồng nói.
Hiệu trưởng Đại học Sư phạm cũng đề nghị Bộ trưởng Giáo dục đầu tư cho các trường sư phạm về công nghệ thông tin đủ để thực hiện đổi mới giáo dục đại học và giáo dục phổ thông.
Mạnh Tùng