Bổn cũ soạn lại
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 982
Hôm qua: 2264
Tổng số: 8881576
 

 
 

Cập nhật lúc: 5/16/2013 10:07:33 AM
Ngành xăng dầu liên tục kêu than bị thua lỗ để phục vụ ý định cho một đợt tăng giá mới, nhưng lại "lặng như tờ" trước thông tin thị trường xăng dầu thế giới giảm.
Bổn cũ soạn lại
Mấy năm qua, người tiêu dùng thực sự thấy …oải và mất niềm tin về sự minh bạch trong kinh doanh xăng dầu. Cụ thể là ngành này liên tục kêu than bị thua lỗ để phục vụ ý định cho một đợt tăng giá mới, nhưng lại "lặng như tờ” trước thông tin thị trường xăng dầu thế giới giảm. Lúc được thì tăng giá vùn vụt nhưng (nếu có) giảm thì cũng nhỏ giọt "như cà phê phin”.
 
Dư luận cũng khó hiểu (kể cả nghi ngờ) về việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu … Thậm chí, những "chiêu trò” dọn đường cho một kế hoạch thay đổi (theo hướng tăng mạnh) về giá, dư luận, người dân và cả cơ quan quản lý … bấy lâu cũng gần như đã thuộc lòng!

Vi thế, việc Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa đăng tải trên trang web bảng tính giá cơ sở theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP, mà theo bảng giá này, các doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ khoảng 64 đồng/lít đối với xăng; lỗ 53 đồng với dầu diezel và lỗ 35 đồng với dầu hỏa, có thể không khó để nhận ra một sự bất thường, một sự mập mờ chờ thời cơ tăng giá theo kiểu "tích cũ diễn lại” của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay!

Bằng chứng là, trong bản báo cáo tài chính 2012 cho thấy, mặc dù lãi trên 127 tỷ đồng song không ít lần Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (đơn vị chiếm xấp xỉ 60% thị phần) - "kêu than” lỗ để gây áp lực đòi tăng giá xăng dầu.

Cụ thể, năm 2012, giá xăng trong nước thay đổi 12 lần, trong đó có 6 lần tăng tổng cộng 6.050 đồng/lít và 6 lần giảm tương ứng 3.700 đồng/lít.

TS Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nói: "Việc giá xăng dầu diễn biến khó hiểu là do tính không chuyên nghiệp của bộ máy công quyền và sự thiếu trách nhiệm của các công cụ giám sát. Sự thiếu trách nhiệm trong giám sát vô tình tiếp tay cho các doanh nghiệp đặc quyền đặc lợi trong kinh doanh mặt hàng đặc biệt thiết yếu này”.

Phản biện về việc các đơn vị kinh doanh xăng dầu đang kêu lỗ, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nói: "Bản thân việc doanh nghiệp than là một chuyện, thực tế ra sao lại là chuyện khác”.

Ông Lưu Bích Hồ cho rằng, từ trước tới nay, người tiêu dùng chỉ biết nghe và không có cơ sở để kiểm chứng, bảng tính giá quá phức tạp. Chức năng của Bộ Tài chính và Bộ Công thương là phải làm rõ ràng, đúng sai những gì doanh nghiệp công bố. Thế nhưng, chúng ta chưa thấy được chức năng này. Trong đó, phần lớn cơ quan quản lý lại ủng hộ "tiếng kêu” của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia hàng đầu về xăng dầu, PGS - TS Ngô Trí Long,  nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính khẳng định: Bảng công bố giá của Hiệp hội hoàn toàn thiếu cơ sở. Sở dĩ phải nghi ngờ vì bảng tính giá ghi giá CIF, giá thế giới bình quân 30 ngày FOB nhưng không có phụ lục kèm theo do vậy ai kiểm chứng được, giá do Hiệp hội đưa ra là chuẩn, là đúng. Cần nhớ rằng, trong 30 ngày đó, có thể giá thế giới lên xuống thất thường, mỗi ngày một giá. Giá bình quân không đơn giản là lấy giá cao nhất , cộng với giá thấp nhất rồi chia đôi được.

"Tôi là người nghiên cứu cũng thấy mơ hồ về cách tính giá của Hiệp hội”. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, người dân thắt chặt chi tiêu, đáng lẽ Hiệp hội phải ghi điểm bằng cách cân bằng lợi ích của 3 bên: doanh nghiệp – người dân – Nhà nước, giảm chi phí vì tiêu dùng thì thay vào đó "Hiệp hội lại than lỗ” giùm doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp đây chính là Petrolimex chứ không là ai khác” – TS Long nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, mặc dù kêu lỗ, nhưng mức thù lao đại lý mà Petrolimex đang chi cho các cơ sở bán lẻ cao ngất ngưởng, bằng 10 lần mức lỗ. Cụ thể, đối với giá xăng Ron A92 – A95: 550 đồng/l; đối với dầu DO: 610 đồng/l. Mức thù lao này đã được Petrolimex kéo dài hơn 2 tuần nay (từ ngày 26-4 đến 14-5), và hiện chưa có thông báo thay đổi gì.

Giám đốc Công ty CPTM Nam Sài Gòn (một đơn vị bán lẻ xăng dầu) còn chia sẻ: các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối khác còn mạnh tay chi hoa hồng đến 750 – 850 đồng/l. Riêng chuyện này, cũng không khó để "vạch mặt chỉ tên” việc lỗ thật – lỗ giả trong kinh doanh xăng dầu hiện nay. 

Và, trước sự "nhấp nhổm” để đòi tăng giá đó, có cảnh báo ngay bây giờ từ phía dư luận cũng không phải là thừa!

Theo Thúy Hằng

Đại đoàn kết

 
Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che