Diện tích tăng không kiểm soát
Tổng diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL hiện ở mức 6.000 ha (tăng 5 lần trong hơn 10 năm qua) sản lượng đạt 1,2 triệu tấn/năm, với 136 DN chế biến xuất khẩu. Trong đó, Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất khu vực với 1.943 ha, với 1.602 hộ nuôi cá tra thịt, sản xuất cá tra giống và 36 DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cá tra. Diện tích nuôi của TP. Cần Thơ cũng lên đến 1.152 ha, với 30 DN và khoảng 295 hộ dân nuôi cá tra thâm canh.
Nghề nuôi cá tra nhiều năm trước đã đem lại cuộc sống sung túc cho những hộ dân trong vùng, vì chỉ với lợi nhuận 500-1.000 đồng/kg người dân đã thắng lớn. Do vậy, diện tích nuôi cá tra tại nhiều tỉnh ĐBSCL tăng lên nhanh chóng. Chẳng hạn, tại Cần Thơ, năm 2012 diện tích ươm cá tra giống tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, “thuyền lớn sóng lớn”, vốn đầu tư cho nghề nuôi cá tra rất lớn, chỉ cần giá cá bán thấp hơn 500-1.000 đồng/kg so với giá thành đầu vào, người nuôi cá nông dân sẽ lỗ tiền tỷ.
Chưa dừng lại ở việc vùng nuôi cá tra mở rộng tự phát, tình trạng tranh mua, tranh bán lẫn nhau trong dân đang diễn ra “bể kèo” giữa DN và người nông dân. Mặc dù đã có hợp đồng ký kết với nhau, nhưng theo ông Bùi Văn Sự một người nuôi cá tra ở Đồng Tháp, thì “đó chỉ là tờ giấy trắng”. Chưa kể chi phí cao hơn giá thành nuôi lên một kg cá tra, vốn tự có của nhà nông và DN chế biến không nhiều, có hộ nuôi vốn tự có chỉ chiếm 20-30% trong tổng nguồn vốn đầu tư, phần lớn còn lại vay vốn ngân hàng.
Năng lực tài chính yếu và tài sản đảm bảo nợ vay chủ yếu là ao, hầm cá tra, những tài sản khác như chuồng trại, đê bao, đăng quần… xuống cấp nhanh nên khó có thể thế chấp ngân hàng tiếp tục vay vốn; thậm chí thế chấp cá trong ao không TCTD nào dám nhận loại tài sản đảm bảo tiền vay quá nhiều rủi ro này do không thể xác định giá, trị tài sản.
Trong khi đó một số hộ nuôi, DN chế biến cá tra thua lỗ do giá cá giảm mạnh, không còn khả năng trả nợ vay ngân hàng, nên không thể vay vốn mới. Diện tích nuôi cá tra tự phát tăng nhanh trong nhiều năm qua, dẫn đến cung vượt cầu và khả năng mất giá và đi đến khủng hoảng ngành cá tra Việt Nam là khó tránh khỏi. Điều này đặt ra cho những nhà hoạch định chính sách những vấn đề về quy hoạch vùng nuôi và quản lý chuỗi giá trị cá tra.
Ai quản lý?
“Một số quy định nhà nước về nuôi và chế biến cá tra chưa đồng bộ” - ông Nguyễn Anh Khoa, Tổng cục Thủy sản, thừa nhận. Phải sớm có quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá tra theo mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo tiểu vùng, có thể tập trung vùng nuôi cá tra ở lưu vực sông Tiền, Nam sông Hậu, Bắc Cần Thơ… Một số địa phương trong vùng ĐBSCL đang manh nha quy hoạch vùng sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu theo chuỗi giá trị.
Hiện Cần Thơ đang xây dựng dự án Trung tâm Giống thủy sản cấp một, triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết giữa nông dân và DN, đảm bảo lợi ích kinh tế trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.
Kế hoạch lâu dài là đẩy mạnh mô hình nuôi trang trại để kiểm soát đầu vào - đầu ra; Đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp thủy sản với quy mô cấp vùng. Để giữ vững giá trị cá tra và phát triển không manh mún, một số DN lớn ở Đồng Tháp như: Công ty Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty Hoàng Long, Công ty Hùng Vương… năm 2012 đã bắt đầu sắp xếp lại tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất nguyên liệu, cung cấp thức ăn thủy sản, thuốc và vật tư nghề cá, xuất khẩu, từng bước hình thành tập đoàn kinh tế.
Đa số DN có dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu theo công nghệ Mỹ, có vùng nuôi đáp ứng trên 50% nhu cầu nguyên liệu. Các hộ nhỏ đã thực hiện liên kết ngang, liên kết dọc trong cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Một số hộ không đủ điều kiện chuyển sang nuôi gia công cho DN.
Theo đó, Bộ Công thương quản lý giá vật tư nguyên liệu đầu vào, giá thành sản phẩm đầu ra phù hợp để ổn định sản xuất cá tra. Vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường xuất khẩu giữa các DN cần phải dẹp bỏ. Ông Phạm Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) TP. Cần Thơ đề nghị chỉnh sửa Thông tư 56/2011 của Bộ NN - PTNT về thú y, thủy sản theo hướng quản lý theo chuỗi sản xuất.
Bên cạnh đó, cần liên tục đào tạo kiến thức cơ bản cho nông dân về thị trường, quản lý sản xuất, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế. Cùng với đó xây dựng được hệ thống kho lạnh dự trữ sản phẩm để chủ động trong công tác xuất khẩu. Hiện nay, theo tiêu chuẩn mới, cá tra phải đạt Quy trình nuôi an toàn (ASC).
Kế hoạch đến năm 2015 có 50% sản lượng cá tra Việt Nam đạt tiêu chuẩn cá tra nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động đến môi trường. Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT đang “ấp ủ” một chương trình đẩy mạnh quản lý, sản xuất và xuất khẩu cá tra. Siết chặt lại từ người nuôi cho đến xuất khẩu, giảm bớt đầu mối DN tham gia xuất khẩu, không thể để tình trạng hiện DN có nhà máy là xuất khẩu, phải đạt chuẩn mới được tham gia.
Theo Linh Lan
TBNH