Cần phải có thể chế để điều hòa lợi ích của người bán và người mua. Nếu xây dựng được thể chế này, thì việc trao quyền tự quyết giá cho DN xăng dầu là việc tất yếu của quy luật.
Từ 1/7, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối quyền quyết định giá xăng cũng như tần suất điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. "Tuy nhiên, do hiện tại mức thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu đang được Nhà nước điều hành giữ ở mức thấp hơn nhiều so với barem thuế quy định nên Liên Bộ yêu cầu các DN, trong trường hợp giá cơ sở có biến động tạo chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành, cần phải xem xét điều chỉnh giá. Dù vậy, trước khi điều chỉnh giá các DN có trách nhiệm thực hiện đăng ký giá với Liên Bộ Tài chính - Công Thương để Liên Bộ xem xét lựa chọn phương án xử lý hài hòa việc điều hành thuế, phí, quỹ Bình ổn và giá xăng dầu cho phù hợp", Bộ Tài chính "chua" thêm.
Nhận định về việc trao quyền tự quyết giá xăng cho các DN, một chuyên gia kinh tế cho rằng đây là động thái giống như "thưởng công" cho các DN xăng dầu vì họ "có công" giảm nhỏ giọt 5 lần trong 3 tháng. Trong khi cả 5 lần giảm, tổng cộng chỉ là 3.200 đồng thì chỉ 2 lần tăng giá đầu năm, mức điều chỉnh đã là 3.000 đồng. Lần thứ tư, vào ngày 21/6 dù giá xăng dầu thế giới giảm sâu, xăng trong nước có thể giảm nhiều hơn nữa, nhưng giá xăng chỉ giảm rất ít, để dành đợi khi tăng giá điện, thì lại giảm lần nữa để xoa dịu dư luận.
Ép các DN giảm giá xăng, cơ quan chức năng này lại vội vàng trao quyền tự định giá để "làm hòa" với các DN. Từ bây giờ, có công cụ trong tay, giảm hay tăng tùy vào chính DN, nếu có giảm ít tăng nhiều, giảm thấp tăng cao, thì cũng mặc kệ DN và khách hàng, không phải lỗi của ngành Giá.
Như vậy, trước đây, khi Nhà nước vẫn đang định giá, thì giá xăng dầu thế giới chưa tăng, DN đã xin tăng và tăng rất nhiều, trong khi các lần giảm, phải chịu sức ép từ dư luận, truyền thông, Liên Bộ Tài chính "trát" xuống, DN mới chịu giảm và giảm cũng chỉ "tí tách".
Đấy là chưa kể điệp khúc "lỗ" và "bù lỗ" là câu thường trực của các DN kinh doanh xăng dầu. Cái kiểu "đi nhanh về chậm" này đã khiến cho người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về sự minh bạch của các DN đang kinh doanh mặt hàng nhạy cảm, đụng chạm đến đồng tiền bát gạo của mọi thành phần kinh tế này. Giờ được trao quyền tự quyết, dù Nghị định có khống chế biên độ và tần suất tăng giảm, nhưng rõ ràng, DN vẫn hoàn toàn có thể lách.
Đấy là chưa kể, giá cả, thời gian nhập khẩu… đều do tự DN định đoạt để tính giá cơ sở rồi báo cáo. Bởi vậy, phải minh bạch giá nhập khẩu, kiểm soát được đầu ra, đầu vào mặt hàng xăng dầu, thì mới mong đảm bảo được lợi ích cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận xét: Bao giờ cũng có 2 mặt đối lập: một bên là DN bán hàng và một bên là người tiêu dùng. Lợi ích của người bán và người mua luôn luôn xung đột nhau, người bán muốn giá cao, còn người mua muốn giá thấp.
Trong cơ chế thị trường có quy luật canh tranh, quy luật cung cầu, nên hai mặt đối lập này sẽ được giải quyết: hai bên cùng có lợi theo kiểu thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường xăng dầu chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, vẫn độc quyền bán, nên việc điều tiết giá cả chưa theo quy luật thị trường. Bởi vậy, cần phải có thể chế để điều hòa lợi ích của người bán và người mua. Nếu xây dựng được thể chế này, thì việc trao quyền tự quyết giá cho DN xăng dầu là việc tất yếu của quy luật. Tuy nhiên, hiện chưa có thể chế này, mà đã trao quyền tự quyết cho các DN xăng dầu sẽ chẳng khác gì thả gà ra đuổi, hoặc việc trao quyền tự quyết vẫn sẽ chỉ nửa vời.
"Đừng bao giờ trông mong vào sự tự giác của các DN, bởi chẳng ai lại muốn bớt xén lợi ích của mình chia sẻ cho mọi người. Trong lúc này, trao quyền tự quyết cho các DN, thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị thiệt.
Theo Hà An
CAND