Trăn trở làm sao để TP HCM có thêm nhiều dự án khởi nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ mô hình quản lý, ứng dụng công nghệ, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng...
Tại hội thảo khoa học về khởi nghiệp do Đại học Kinh tế TP HCM tổ chức sáng 17/6, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM mở đầu câu chuyện bằng cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp viết về sự phát triển thần kỳ của Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới.
"Tại sao họ làm được như vậy? Câu trả lời là đất nước này luôn có những ý tưởng khởi nghiệp. Làm thế nào để chúng ta có nhiều doanh nghiệp với tư duy năng động, sáng tạo?", ông trăn trở.
|
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại hội thảo sáng nay. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Ông Phong tiếp lời: "Nền kinh tế hùng mạnh của Nhật Bản không phải đến từ các trụ cột như Toyota, Honda, Panasonic, Sony…, mà xương sống của họ gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính các doanh nghiệp này với những cải tiến hàng ngày, tiếp cận khách hàng linh hoạt, giúp hàng hóa của Nhật khác biệt trên thị trường thế giới".
Chủ tịch TP HCM cho biết, Đại hội XII của Đảng đã hoạch định những chủ trương lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2016-2020, trong đó phải nhấn mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ông Phong nhận xét, trong thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp đã diễn ra sôi nổi, hòa vào sự phát triển năng động của kinh tế thành phố. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ diễn ra ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, trong đó tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực nhiều tiềm năng như bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bất động sản, khoa học công nghệ…
Thông qua các chính sách khởi nghiệp, TP HCM đã tạo lập được môi trường ổn định, hiệu quả với 274.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, chiếm 31,7% doanh nghiệp cả nước. Riêng trong năm 2015, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp 24,5% GDP thành phố và 15,7% thu ngân sách. "Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu", người đứng đầu chính quyền TP HCM đánh giá.
Sắp tới, TP HCM xác định khởi nghiệp là một trong những lĩnh vực đột phá quan trọng, làm giàu cho chính doanh nghiệp và đóng góp cho sự thịnh vượng của thành phố. Do đó, Chủ tịch TP HCM hứa sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, TP HCM sẽ bố trí gói tín dụng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp trẻ.
"Thành phố cũng có chính sách giúp khởi nghiệp từ nội bộ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới mô hình quản lý thông qua chương trình kích cầu đầu tư, chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp…", ông Phong cho biết.
Ngoài ra, Chủ tịch TP HCM cũng hứa sẽ cải cách thủ tục hành chính, hướng tới chính quyền điện tử để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đồng thời bài trừ giấy phép con, hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại.
Đồng tình với ông Nguyễn Thành Phong, nhiều doanh nghiệp bổ sung, ở nhiều quốc gia giàu mạnh thì giáo dục tinh thần khởi nghiệp được chú trọng ngay trên ghế nhà trường. GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM - chia sẻ, việc mở khóa đào tạo chuyên về khởi nghiệp được nhà trường ấp ủ từ nhiều năm nay. Sắp tới, trường này sẽ hoàn thiện và đưa khởi nghiệp thành một chuyên ngành đào tạo mang tên "Quản trị khởi nghiệp" để giảng dạy vào năm sau.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lại đặt ra vấn đề, rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ sinh viên sáng tạo nhưng không nhiều trong đó có thể áp dụng vào thực tế. Từ đó, bà Phi mong muốn các chương trình đào tạo khởi nghiệp có thể giúp sinh viên thực tế hơn trong ý tưởng của mình.
Mạnh Tùng