Cập nhật lúc:
1/11/2013 8:51:13 AM
Chùm ngây có tên khoa học là Moringa Oleifera, còn gọi là cây thần diệu. Trước đây loài cây này mọc hoang ở vùng núi tỉnh An Giang. Ở Ấn Độ, chùm ngây được nhiều người biết và đặt cho cái tên hết sức trân trọng là cây độ sinh.
Cây dược liệu, thực phẩm
Chùm ngây có nguồn gốc lâu đời ở vùng Nam Á, cây phát triển nhanh có thể cao từ 9 - 12 m. Trồng sau 8 tháng ra hoa màu kem. Hoa nở bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Ba. Quả dài từ 30 - 50 cm. Chùm ngây thuộc loại cây gỗ mềm; trồng gần nhà gặp gió mạnh có thể bị đổ. Cây rụng lá từ tháng 12 - tháng 1 năm sau và sẽ mọc lại trong vòng 1 - 2 tháng. Vỏ cây dầy, có màu xám giống điên điển. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong hầu hết các bộ phận của cây đều chứa các chất cần cho con người, như khoáng chất, vitamin, các axit amin, bêta-caroten, phenolics...
Theo kết quả nghiên cứu của Trạm Huấn luyện & thực nghiệm nông nghiệp Văn Thành (TP.HCM): “Thân, lá, rễ cây chùm ngây có thể sử dụng làm thực phẩm rau xanh, vỏ làm gia vị, thân làm củi đốt, hạt để ép lấy dầu… Ngoài ra, chùm ngây còn có dược tính chữa bệnh đường ruột, kích thích tiêu hóa, trị tiêu chảy, kiết lị, viêm phổi, tan máu bầm, trị khớp, còi xương, phù nề… Giá trị cao nhất của cây là dùng khử trùng nước, làm nước trong sạch, có thể dùng cho sinh hoạt vừa rẻ tiền, lại không độc hại”.
Lá cây chùm ngây được dùng làm rau. Có thể ăn sống như các loài rau sống khác. Cũng có thể nghiền lá ra để làm nước sinh tố. Nếu nấu canh thì ta được món canh giống với canh rau ngót. Ăn rau chùm ngây mau khỏe, loại rau này chứa nhiều dinh dưỡng cho người già, trẻ em, người có thể trạng yếu, cả cho người ăn chay, suy dinh dưỡng và người mới khỏi bệnh...
Cây giống chùm ngây 2 tháng tuổi chuẩn bị trồng ở vùng Bảy Núi, An Giang
Triển vọng và kế hoạch
Vùng Bảy Núi (An Giang) có điều kiện địa lý, khí hậu thích hợp để phát triển cây dược liệu. Riêng đối với cây chùm ngây, loại biệt dược quý, đa công dụng, được ngành kiểm lâm An Giang phát hiện trong rừng Bảy Núi với ưu điểm dễ trồng, tăng trưởng nhanh, chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, môi trường. Người dân rất phấn khởi vì dưới tán rừng, họ có thể tham gia dự án phát triển cây chùm ngây. Cây xóa nghèo này không những giúp họ có công ăn việc làm mà còn kiếm thêm thu nhập.
ThS Trần Văn Mì, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết: “Ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang), ngoài dự án phát triển cây dược liệu vùng Bảy Núi, hợp tác với Cty Domesco (Đồng Tháp) và Cty CP Cây Xanh (Long Xuyên), bà con nông dân còn tham gia thực hiện thêm dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây chùm ngây”, do Cty TNHH Xây dựng-DVTM-XNK Hưng Trung (TP Long Xuyên) phối hợp với tỉnh An Giang đầu tư”.
Dự án được triển khai trên diện tích 200 ha, tổng kinh phí 1,3 tỉ đồng. Trung tâm Sâm & dược liệu, Viện Dược liệu chịu trách nhiệm chuyển giao công nghệ từ trồng đến khâu chế biến sau thu hoạch, theo hai hướng sử dụng: Cho rau sạch và thuốc sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.
Với cây chùm ngây, tỉnh An Giang còn có kế hoạch tập trung xây dựng vùng nguyên liệu 2.000 ha tại 9 xã của hai huyện vùng Bảy Núi, khai thác từng bước 6.000 ha đất trồng rừng hiệu quả thấp. Qua đó làm tăng giá trị kinh tế từ 2 triệu đồng/ha/năm lên 20 triệu đồng/ha, góp phần tạo việc làm, thu nhập cao cho lao động nông thôn.
Ông Trần Văn Hiệp ở ấp Núi Đá Lớn, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, cho biết: “Gia đình tôi trồng 5 công chùm ngây ở phía sau triền núi Voi, hiện cây đang cho thu hoạch lá. Trung bình 2 tuần thu hoạch lá non một lần, giá 1 kg lá từ 25.000 - 30.000 đồng, còn hạt giống bán 50.000 đồng/kg. Ngoài ra gia đình làm vườn ươm mỗi năm cũng được vài ngàn cây, giá bán mỗi cây giống từ 15.000 - 20.000 đồng. Nhờ trồng chùm ngây xen kẽ dưới tán rừng, mỗi năm tôi cũng kiếm được vài chục triệu đồng góp phần tăng thêm nguồn kinh tế gia đình”.
Ông tính toán, 1 công đất xấu ở triền núi khó có thể trồng cây ăn trái cho năng suất cao; mà chỉ trồng rừng và đặc biệt chỉ có chùm ngây mới phù hợp cho việc trồng xen với rừng. Vả lại, với giá bán từ việc trồng chùm ngây, rõ ràng giá trị thu hoạch không thua gì trồng lúa, trong khi việc chăm sóc lại nhàn hạ hơn.
Phong trào trồng chùm ngây đang phát triển mạnh, hứa hẹn triển vọng cho người dân nghèo Bảy Núi. Vấn đề là cần quy hoạch và sự phối hợp tốt của chính quyền, nhà khoa học và các Cty giúp người dân phát triển cây chùm ngây bền vững để xóa nghèo.
Ông Mì cũng cho biết thêm: “Tại Tri Tôn, hạt chùm ngây được thu mua với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, lá non 25.000 đồng/kg, cây giống 15.000 đồng/cây. Để chủ động nguồn giống hiện nay Phòng Nông nghiệp huyện đang triển khai diện tích chuyên trồng chùm ngây từ 100 - 200 ha tại khu vực Núi Dài và núi Cô Tô, xây dựng một vườn ươm cây diện tích khoảng 3.000 m2 nhằm cung cấp giống cho vùng nguyên liệu”.
Về kế hoạch phát triển cây chùm ngây, ông Trần Văn Mì cho biết thêm: “Ở khu vực ĐBSCL chỉ có vùng Bảy Núi với khí hậu khô hạn khắc nghiệt là nơi lý tưởng trồng chùm ngây. Chùm ngây dễ sống, có tuổi thọ, không kén đất, ít tốn phân, hầu như “miễn dịch” với sâu bọ. Để cây có tán rộng thì khi cây cao được 1,5 m nên cắt cành, ngay chỗ cắt sẽ đâm ra nhiều tược; khi tược cao lại cắt ngang, lúc đó cây sẽ đâm tược theo cấp số nhân.
Huyện Tri Tôn cũng đang thực hiện đề tài “Bảo tồn, phát triển SX và hướng tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây chùm ngây". Đây là chương trình nằm trong dự án xóa nghèo, nhằm cải thiện cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer và người trồng rừng phòng hộ khu vực Bảy Núi. Theo ông Mì, kinh phí cho dự án hơn 1 tỉ đồng; ước tính dự án giải quyết việc làm cho khoảng 300 hộ nông dân tại địa phương và trên 1.000 lao động nông nhàn.