Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang có trong tay nguồn dự trữ khổng lồ nhờ chương trình thế chấp lúa gạo (mua thóc của nông dân với giá cao hơn thị trường nhằm nâng cao thu nhập cho người dân) thực hiện từ tháng 10 năm ngoái.
Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom của nước này kỳ vọng chương trình sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nhờ giá gạo sẽ lên cao trong thời gian tới bởi hạn hán nghiêm trọng nhất nửa thế kỷ đang hoành hành các vùng sản xuất ngũ cốc quan trọng của nước Mỹ.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng gạo trong kho dự trữ của Thái Lan có thể lên tới 12,1 triệu tấn trong niên vụ 2012/13. Sau khi thực hiện chương trình thế chấp lúa gạo từ tháng 10 năm ngoái tới tháng 2 năm nay, sau đó chương trình được gia hạn, giờ đây Thái Lan dự định sẽ chi thêm tiền để mua lúa gạo của nông dân với giá cao hơn thị trường nhằm tiếp tục hỗ trợ cho bộ phận người dân ở vùng nông thôn.
Trả lời phỏng vấn của báo chí mới đây, ông Boonsong cho biết, chính phủ Thái không vội bán ra nguồn gạo dự trữ đó. “Chúng tôi đang chờ thời điểm và giá cả hợp lý”, ông nói.
Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước ở châu Âu đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, khiến cho nguồn cung ngô, lúa mì và đậu tương bị đe dọa, đẩy giá các mặt hàng này trên thị trường kỳ hạn lên các mức cao kỷ lục những ngày gần đây.
Theo đánh giá của giới phân tích, hơn ai hết, Thái Lan sẽ là những người được lợi vì có nguồn cung lúa gạo dồi dào, bất chấp việc nước này hiện đang gặp khó khăn về xuất khẩu do chương trình thế chấp lúa gạo đẩy giá lên cao hơn khoảng 30% so với các đối thủ cạnh tranh Việt Nam và Ấn Độ.
Bộ trưởng Boonsong cho rằng, tình hình hạn hán hiện nay, đặc biệt là ở Mỹ, khiến mọi người đều nghĩ đến viễn cảnh giá lúa gạo sẽ tăng cao trong thời gian tới. “Tôi cho rằng giá gạo sẽ không thể đi xuống trong phần còn lại của năm. Chính phủ Thái có thể bán được hàng dự trữ với giá cao”, ông nói thêm.
Cũng theo ông Boonsong, Thái Lan không quan tâm nhiều tới sự cạnh tranh về giá cả của các đối thủ, bởi mục tiêu chính là nước này muốn bán gạo với giá càng đắt càng tốt và chất lượng gạo Thái tương xứng điều đó.
Hạn hán đẩy giá ngũ cốc lên cao, với giá ngô và đậu tương đã tăng gấp rưỡi từ đầu tháng 6 tới nay cũng tác động làm cho giá gạo trở nên đắt đỏ. Hiện giá mặt hàng này trên thị trường kỳ hạn ở Chicago đã tăng 7,2% so với thời điểm cuối tháng 5. Trong khi đó dữ liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng tới 6,2% trong tháng 7 và bóng ma của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 đang tái hiện.
Shenggen Fan, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế mới đây cũng đưa ra nhận định, thế giới sẽ sớm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực do hạn hán tại Mỹ - nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới. Mùa mưa tồi tệ nhất kể từ năm 2009 cũng đang gây áp lực lên Ấn Độ - nước sản xuất lúa gạo lớn thứ hai thế giới- khiến cho sản lượng sẽ không được cao như kỳ vọng trước đây và làm giảm nguồn hàng ra thị trường thế giới.
Theo nhận xét của P.K. Joshi, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế khu vực Nam Á, sản lượng gạo của Ấn Độ năm nay sẽ thấp hơn 5 – 7 triệu tấn so với mức kỷ lục 91,5 triệu tấn của năm trước. Trong nửa đầu năm, hàng loạt các dự báo đưa ra cho thấy Ấn Độ sẽ vượt qua Việt Nam và Thái Lan để giành ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng tình hình hiện nay khiến cho điều đó trở nên vô cùng khó khăn để trở thành sự thật.
Trở lại vấn đề Thái Lan, Bộ trưởng Thương mại Boonsong cho biết Thái sẽ bán lúa gạo trực tiếp cho các quốc gia nhập khẩu, với con số ấn tượng lên tới 9 triệu tấn trong năm nay. Được biết, mới đây Thái Lan đã ký hợp đồng bán 2 triệu tấn gạo cho Trung Quốc và 1 triệu tấn cho Indonesia theo thỏa thuận giữa các chính phủ, và nguồn hàng giao cho Trung Quốc đang được thực hiện, còn xuất sang Indonesia thì bắt đầu từ tháng 9.
Phương Thảo