Công ty tư nhân lớn nhất Venezuela chật vật tồn tại
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 2439
Hôm qua: 2691
Tổng số: 8831395
 

 
 

Cập nhật lúc: 6/10/2016 9:04:25 AM
Giới lãnh đạo nước này cho rằng chính Lorenzo Mendoza và tập đoàn Empresas Polar của ông đã gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng trong nước.

Lorenzo Mendoza là người đứng đầu tập đoàn Empresas Polar - nhà cung cấp mọi mặt hàng, từ mỳ ống đến bia, tại Venezuela. Họ là cái tên đáng tin cậy với hầu hết người dân tại đây.

Tuy nhiên, với Chính phủ Venezuela, Empresas Polar chính là nguyên nhân gây ra cảnh thiếu hụt lương thực. Trong một chương trình truyền hình mới đây, Tổng thống Nicolás Maduro đã kết tội công ty này tích trữ hàng hóa, để gây chiến tranh kinh tế nhằm lật đổ chính quyền.

Ông Maduro thậm chí đe dọa tịch thu tài sản của Polar. Nếu Polar bị quốc hữu hóa hay phải đóng cửa, kinh tế Venezuela rất có thể sẽ bị dồn đến vực thẳm, nhiều chuyên gia lương thực nhận định.

Xuất phát điểm là một công ty chuyên sản xuất bia ở ngoại ô thành phố Caracas, Polar dần phát triển mạnh về quy mô nhờ những thương vụ sáp nhập đúng thời điểm và loạt sản phẩm chủ lực có mức giá phải chăng. Kết quả thăm dò dư luận tháng 3 của Consultores 21 cho thấy 80% người dân Venezuela có ấn tượng tốt về Polar và 81% kêu gọi chính phủ ngừng can thiệp vào tập đoàn này.

"Những lời công kích nhằm vào Polar chẳng có ý nghĩa gì hết. Họ cung cấp lương thực cho chúng tôi. Nếu họ phải rời khỏi đất nước này, chúng tôi cũng sẽ chết đói hết cả thôi", ông Iraida Fuentes (55 tuổi) sống tại Caracas cho biết.

cong-ty-tu-nhan-lon-nhat-venezuela-chat-vat-ton-tai

Lorenzo Mendoza (giữa) trong một buổi họp báo gần đây. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, Polar được xem là trụ cột kinh tế của Venezuela khi tạo công ăn việc làm cho 30.000 người và gián tiếp mang lại lợi ích cho 180.000 công nhân khác. Wall Street Journal đã phỏng vấn các công nhân của Polar tại 4 thành phố khác nhau và đều nhận được phản hồi tích cực về tập đoàn như, trả lương cao, nhiều phúc lợi tốt, tổ chức các kỳ nghỉ hè và học bổng cho con nhân viên.

Đối với người dân Venezuela, Polar giống như tất cả Nestlé, General Mills, và Anheuser-Busch InBev gộp một vậy. Polar là nhà cung cấp 80% lượng bia, 18% các sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu và 14% lượng thực phẩm chế biến trên thị trường Venezuela. Họ cũng là hãng đóng chai cho Pepsi tại quốc gia này. Ngoài ra, tập đoàn còn đang nghiên cứu, phát triển các hạt giống lai và sữa chua không cần làm lạnh.

Theo số liệu của Polar, tập đoàn tạo ra 3,3% tổng sản phẩm (không tính dầu mỏ) của Venezuela. Tổng thuế thu nhập doanh nghiệp của Polar và thuế tiêu thụ mà người dùng phải trả cho các sản phẩm của họ đã vượt 23 tỷ USD từ năm 2003. 

Tuy nhiên, chưa cần đến những lời đe dọa sung công tài sản của Chính phủ, bất ổn gần đây của kinh tế Venezuela đã ảnh hưởng không nhỏ đến tập đoàn này. Đại diện Polar cho biết họ đang chết dần vì chính sách kiểm soát giá hay những quy định của chính phủ nhằm hạn chế tiếp cận ngoại tệ - yếu tố cần thiết để nhập khẩu nguyên liệu thô.

Polar thậm chí phải đóng cửa định kỳ hàng loạt nhà máy do thiếu nguyên liệu thô. Trong tháng 4/2016, 4 nhà máy bia của họ phải ngừng hoạt động vì không thể nhập khẩu lúa mạch.

"Tôi đang rất lo, tình hình đã nghiêm trọng lắm rồi. Chính phủ đang cố bóp chết chúng tôi", ông Mendoza nói. Năm 2015, Chính phủ Venezuela đã kiểm toán các cơ sở của Polar hơn 600 lần, đến nỗi tập đoàn đã phải thiết kế văn phòng riêng cho đội thanh tra tại một số nhà máy.

Dù vậy, ông chủ Polar cho biết sẽ sẵn sàng ngồi lại với Chính phủ để thảo luận phương án giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực. Ông cùng ban lãnh đạo công ty đang nỗ lực tìm cách duy trì hoạt động cho Polar. Trước mắt, tháng tới, họ sẽ mở lại 4 nhà máy bia, sau khi đã vay 35 triệu USD từ ngân hàng BBVA (Tây Ban Nha) để nhập khẩu lúa mạch.

Dù có lượng dự trữ dầu lớn hơn cả Saudi Arabia, Venezuela đang rơi vào vòng luẩn quẩn do tình trạng lao dốc không phanh của giá dầu. Kết quả là, Chính phủ đã không còn đủ tiền để nhập khẩu lương thực cung cấp cho 30 triệu dân.

Theo Bank of America, đà lao dốc của giá dầu đã kéo nhập khẩu năm 2016 của Venezuela giảm kỷ lục 60% so với cùng kỳ năm 2012. Cũng theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP nước này sẽ giảm 8% trong năm 2016.

Kết quả thăm dò dư luận gần đây của Venebarómetro cho thấy, một phần ba số hộ gia đình Venezuela ăn 2 bữa một ngày, và 13% chỉ có thể ăn một bữa. Người dân vẫn tiếp tục xếp hàng dài chờ mua thực phẩm xung quanh các khu chợ, trong khi tình trạng trộm cướp tại các cửa hàng dần trở nên phổ biến.

Kim Dung (theo WSJ)

Theo: www.vnexpress.net

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che