Trước đây một số doanh nghiệp (DN) sản xuất dầu ăn trong nước “kêu cứu” đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu áp thuế tự vệ đối với dầu ăn nhập khẩu. Đến năm 2013 thì dầu ăn nhập khẩu bị áp thuế tự vệ 5%.
Nay đến lượt các DN nhập khẩu dầu ăn về để sản xuất xuất khẩu lên tiếng “kêu cứu” về khoản thuế tự vệ này, trong đó có cả các DN đã từng kêu gọi, ủng hộ áp thuế tự vệ như Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Golden Hope Nhà Bè...
Không có quy định, không hoàn thuế
Thuế tự vệ với dầu ăn được áp dụng trong bốn năm, bắt đầu là 5% và giảm 1% sau mỗi năm. Việc áp thuế này nhằm mục đích bảo hộ ngành sản xuất nội địa. Nhiều ý kiến cho rằng nếu vậy thì dầu ăn nhập về để sản xuất rồi xuất khẩu đi, không tiêu thụ trong nội địa, không cạnh tranh với dầu ăn nội địa thì cần được xem xét để không phải chịu thuế tự vệ.
Khi DN phản ánh ý kiến và nguyện vọng, Tổng cục Hải quan trả lời rằng việc hoàn lại phần thuế nhập khẩu thì thực hiện theo Thông tư 128/2013 của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, Thông tư 128/2013 chỉ hướng dẫn hoàn thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp nộp thừa tiền thuế theo quy định. Thông tư này không đề cập đến hoàn thuế đối với trường hợp nhập để sản xuất xuất khẩu.
Tổng cục đã trao đổi ý kiến với các đơn vị có liên quan và sẽ có văn bản gửi Bộ Công Thương khi Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể. Sau khi trao đổi ý kiến thì Bộ Tài chính có hướng dẫn không hoàn thuế.
Theo Bộ Tài chính, “các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về việc hoàn thuế chống bán phá giá cho hàng nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu”. Vì vậy mà “các khoản tiền thuế tự vệ phải nộp khác và DN đã nộp theo quyết định chính thức của Bộ Công Thương thì không được xét hoàn trả theo quy định của pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa”.
Thuế tự vệ, phá giá cũng là thuế nhập khẩu
Cuối tháng 5, Cục Quản lý cạnh tranh có công văn liên quan đến hoàn thuế tự vệ, khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương rằng các loại thuế tự vệ, chống bán phá giá cần được thực hiện như thuế nhập khẩu.
Cục này dẫn chiếu quy định của Pháp lệnh Về biện pháp tự vệ: “Các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam bao gồm: “1. Tăng mức thuế nhập khẩu; 2. Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu; 3. Áp dụng các biện pháp khác do Chính phủ quy định”.
Do đó, nếu biện pháp tự vệ được thực hiện dưới hình thức thuế thì đó là thuế nhập khẩu (tăng mức thuế nhập khẩu). Ngoài ra, Điều 2 Pháp lệnh Về biện pháp chống bán phá giá và Điều 2 Pháp lệnh Về biện pháp chống trợ cấp quy định: “Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung...”, “Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung...”.
Như vậy, thuế tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp đều được coi là thuế nhập khẩu (bổ sung hay tăng thêm). Theo đó, việc áp dụng các loại thuế này cần được thực hiện như thuế nhập khẩu.
Giữa tháng 6, Tổng cục Hải quan có công văn về vướng mắc thuế tự vệ trả lời cho các DN bị vướng. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chuyển vướng mắc về thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, hoàn thuế trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu...) để Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) chủ trì, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn chính thức.
Trong thời gian Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn chính thức thì các DN vẫn cứ nộp thuế và chưa được hoàn thuế.
Theo Quỳnh Như