Đẩy khó cho doanh nghiệp
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 4229
Hôm qua: 2264
Tổng số: 8884823
 

 
 

Cập nhật lúc: 11/2/2012 1:22:12 PM
Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa do Bộ Tài chính bỏ quy định ân hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu chế biến tái xuất.
 
Đẩy khó cho doanh nghiệp

Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa do Bộ Tài chính bỏ quy định ân hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu chế biến tái xuất.

 

 

Các doanh nghiệp cho hay, chính sách ân hạn thuế chính là điều kiện để quyết định đầu tư và mở rộng sản xuất và nhiều đơn vị ăn nên làm ra nhờ chính sách này.

 

Sống được nhờ nguyên liệu nhập khẩu

 

Là một đơn vị chế biến xuất khẩu thủy sản tại Bình Định, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc công ty cổ phần thủy sản Bình Định (Bidifisco) rất thấm thía cái khó của những doanh nghiệp tại miền Trung. Dù đã đi mua nguyên liệu khắp khu vực miền Trung nhưng từ năm 2006 về trước, Bidifisco chỉ sản xuất 6-7 tháng mỗi năm với doanh thu chỉ đạt 1-5 triệu USD/năm. “Thiếu nguyên liệu nên công ty phải đi gia công cho các đơn vị nước ngoài để có việc làm cho công nhân và trang trải chi phí”, bà Lan nhớ lại.

 

Cuối 2006, Bidifisco nhập thử một container hải sản về sản xuất và thấy có hiệu quả nên đến năm 2007, công ty nhập khẩu một dây chuyển sản xuất cũng như tăng nhập khẩu nguyên liệu. Ngay lập tức doanh sốp xuất khẩu của công ty tăng vọt lên 17 triệu USD. Các năm sau đó, doanh số của công ty tăng đều đặn cùng với lượng nguyên liệu nhập khẩu về. Năm 2008-2009 đạt 20 triệu USD, năm 2011 lên 24 triệu USD và dự kiến cả năm 2012 sẽ đạt 28 triệu USD. Từ một nhà máy có 200 lao động đến nay Bidifico có hai nhà máy với trên 700 công nhân, xuất khẩu 5.000-6.000 tấn thành phẩm mỗi năm.

“Trong số đó, thời điểm nhiều nhất nguyên liệu trong nước cũng chỉ chiếm 30%”, bà Lan cho biết. Cũng theo bà Lan, một trong những điều kiện để Bidifico phát triển được như vậy chính là nhờ chính sách ân hạn thuế 275 ngày của nhà nước. Nếu chính sách này bị bãi bỏ thì doanh nghiệp sẽ thực sự gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất. “Đây là giai đoạn rất khó khăn của doanh nghiệp thủy sản do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lẽ ra nhà nước phải hỗ trợ bằng các chính sách thông thoáng hơn đằng này tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp”, bà Lan nói.

 

Không chỉ có Bidifisco, hàng trăm doanh nghiệp chế biến thủy hải sản khác trên toàn quốc cũng đang ở trong trình trạng tương tự, nhất là các doanh nghiệp ở miền Trung và miền Bắc nơi nguyên liệu trong nước chưa bao giờ đủ 50% công suất chế biến của các nhà máy.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Vương (Havuco, Khánh Hòa) nói: “Tôi cảm thấy rất phẫn uất vì người soạn thảo văn bản này hết sức xa rời người nộp thuế”. Theo ông Nam, trước năm 2000 Havuco chỉ mua nguyên liệu trong nước nên nhà máy hoạt động được sáu tháng mỗi năm. Sau khi có nguyên liệu nhập khẩu doanh số công ty từ vài trăm ngàn USD tăng lên đến 65 triệu USD vào năm 2011.

“Chính nguyên liệu nhập khẩu đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chúng tôi nói riêng và doanh nghiệp miền Trung nói chung”, ông Nam khẳng định. Bởi theo ông Nam, kể từ thời điểm mở tờ khai hải quan tới lưu kho, sản xuất, bán hàng… đến lúc hoàn thuế phải mất từ 7-8 tháng, nhanh nhất là 5 tháng rưỡi. Với khoảng thời gian này, để quay vòng vốn cho nộp thuế với tỷ lệ từ 10-20% thì sau đúng 5 tháng rưỡi doanh nghiệp đã hết tới 88% vốn lưu động (88% hạn mức ngân hàng cho vay), tức là không còn vốn để sản xuất.

Nguyễn Thị Thế Yến, GĐ công ty thủy sản Hải Long (Nha Trang) cũng lo lắng cho biết, nếu bỏ chính sách ân hạn thuế thì không biết công ty chúng tôi với trên 1.000 công nhân có thể còn hoạt động được bao lâu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP:

Hàng trăm doanh nghiệp thủy sản “chết lâm sàng”

Doanh nghiệp thủy sản đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất trong quá trình phát triển của mình, cuối năm nay và năm 2013 sẽ còn khó khăn hơn nữa. Ngành thủy sản đang ở trong tình trạng “5 người chết 4 còn 1”, tức là chỉ có 20% số doanh nghiệp còn hoạt động lành mạnh, còn lại hoạt động lề rề mà nhiều người gọi là “chết lâm sàng”. Đó là điều rất đau xót. Chuyện sàng lọc doanh nghiệp trong kinh doanh là cần thiết nhưng mà để doanh nghiệp chết oan ức vì những chính sách không đồng bộ giật cục và thiếu cân nhắc thì tôi nghĩ đó là tội ác.

Chính sách đi ngược lợi ích chung

 

Theo Bộ Tài chính, lý do đề xuất việc bỏ thời hạn ân hạn thuế với các lô hàng nhập khẩu để chế biến tái xuất là thời gian qua có một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để làm ăn gian dối, chây ì nộp thuế sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể gây thất thu thuế cho nhà nước. Quy định này dẫn đến sự bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu từ đó không khuyến khích sử dụng, tiêu dùng hàng nội địa.

Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu hàng hóa mà trong nước thiếu hoặc không sản xuất được. “Các doanh nghiệp nhập cá ngừ, hải sản, tôm… nhưng có nhập con cá tra nào đâu?”, ông Dũng thắc mắc.

Theo VASEP, dự thảo này đang tạo ra sự bất an và bất bình của cộng đồng doanh nghiệp vì đi ngược lại chủ trương khuyến khích sản xuất xuất khẩu. Nếu chính sách này này được thông qua thì hạn mức tín dụng của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm 20 – 40% đồng nghĩa với việc giảm kim ngạch xuất khẩu 20-40% và nguy cơ lực lượng lao động trực tiếp phải giảm với tỷ lệ tương ứng.

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng rất bức xúc cho rằng, đây là chính sách giết lầm còn hơn bỏ sót, không thể chấp nhận được trong thời buổi hiện nay. “Tôi muốn hỏi cơ quan chức năng tỉ lệ những doanh nghiệp vi phạm trên tổng số doanh nghiệp là bao nhiêu, và tổng số thuế thất thu và số thuế mà các doanh nghiệp phải nộp là bao nhiêu. Người soạn thảo chính sách chỉ muốn thuận lợi cho người ban hành chính sách thôi chứ không để ý gì đến những khó khăn mà doanh nghiệp thực thi chính sách đó gặp phải”, ông Dũng nói.

 

Theo VASEP, nhiều công ty thủy sản lớn trên thế giới đang chuyển dần từ Nhật Bản, Trung Quốc và VN là một trong những điểm đến hấp dẫn vì lợi thế tuyệt vời về số lượng nhà máy đạt tiêu xuất khẩu vào EU, Mỹ, Nhật Bản,…lực lượng lao động giá rẻ. “Nhưng chính sách bỏ ân hạn thuế chính là rào cản rất lớn mà các nhà đầu tư sẽ bỏ VN để chuyển sang Thái Lan, Indonesia…”, ông Dũng nói.

 

Theo ông Nguyễn Phạm Thanh, TGĐ công ty Highland Dragon (Bình Dương) một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 12 năm trước khi đầu tư vào VN, các nhà đầu tư đã có những nghiên cứu cẩn trọng về lợi thế so sánh của VN và một trong số đó là VN có chính sách ân hạn thuế nhập khẩu nguyên liêu để làm hàng xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp FDI đang cảm thấy bối rối trong việc sẽ phải quản lý những dự án đang có như thế nào và chắc chắn sẽ phải ngưng những dự án đang triển khai và dự án mới. “Đây không đơn thuần chỉ là chính sách thuế nữa mà là cam kết của Chính phủ VN về thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng tôi hiểu rằng nhà nước đã thay đổi cam kết của mình”, ông Thanh nói.

 

 

 

Nguyên liệu nhập khẩu chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu

Sáu tháng đầu năm 2012, VN đã NK thủy sản từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với trị giá đạt gần 331 triệu USD, trong đó cá các loại (trừ cá tra) chiếm 37%; cá ngừ chiếm 30,6%; tôm chiếm hơn 23%, còn lại là nhuyễn thể, cua ghẹ và giáp xác khác. Khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sáu tháng đầu năm nay từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Có hơn 200 đơn vị nhập khẩu có nhà máy chế biến và nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 20 - 90% tổng lượng nguyên liệu chế biến, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần hơn 100.000 lao động ở các địa phương.




Thảo Minh

Theo TTVN

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che