Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tỷ lệ dân số hút thuốc cao sẽ tiềm ẩn nguy cơ dị tật với người Việt. Do vậy, một số ý kiến cho rằng cần tăng mạnh thuế đối với mặt hàng này.
Thảo luận ở tổ về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sáng 4/11, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) cho rằng thuế thuốc lá hiện chỉ 41% là rất thấp so với khu vực. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam lọt top 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Việc mỗi năm lại có hàng triệu bao thuốc nhập lậu được phát hiện cũng làm tăng nguy cơ nêu trên.
“Vì vậy cần phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cùng với đó là kiểm soát tốt buôn lậu, vấn đề khiến ngân sách thất thoát khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm”, bà Trang đề nghị.
Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất cần tăng thuế thuốc lá lên 200% nhằm bảo vệ sức khoẻ, giảm tiêu dùng. Theo ông, việc này không nhằm tăng thu ngân sách.
Dẫn số liệu từ hiệp hội Thuốc lá, ông Lịch cho biết sau khi in hình cảnh báo trên bao thuốc, riêng thuốc nội địa giảm 20% nhưng thuốc lá nhập lậu lại tràn lan thị trường dù tác hại vô cùng lớn. “Vì vậy tăng thuế này phải có đề án chống nhập lậu hiệu quả. Thuế tăng sẽ tạo nên vùng trũng, kích thích nhập lậu. Vì vậy, theo kiến nghị của cử tri hiệp hội thuốc lá, tăng thuế cũng được nhưng phải chống được nhập lậu”, ông Lịch nói.
|
Nhiều đại biểu cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần đi đôi với chống buôn lậu hiệu quả. Ảnh: Báo Công Thương
|
Vị đại biểu này cũng đề nghị quỹ chống tác hại thuốc lá dùng 50% ngân sách để trang bị cho lực lượng chống buôn lậu. Trong khi đó Đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP. HCM) thì bức xúc vì lực lượng chức năng chưa ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này. "Ở các vùng biên, đối tượng chở hàng lậu vẫn hoạt động công khai, nhộn nhịp. Tại sao 1-2h đêm công an còn bắt vi phạm giao thông mà không thể bắt được buôn lậu”, ông Phụng đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Quảng Chiều (Nam Định) cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp “hướng dẫn tiêu dùng”. “Như ở Pháp, 3 năm tăng thuế thuốc lá 4 lần, một gói thuốc cả trăm ngàn, Việt Nam hầu như không có gói thuốc nào trên 50.000 đồng”, ông Chiểu dẫn chứng.
Dẫu vậy, vị này cũng thừa nhận việc tăng thuế chưa chắc khiến người tiêu dùng bỏ hút, song ông tin điều này sẽ có tác động mạnh đến hành vi của người mới hoặc chưa hút thuốc. Vị này cũng phân tích thực tế, giới đầu nậu chủ yếu buôn các loại mà trong nước không sản xuất như Hero, Jet... nên việc tăng thuế sẽ ít ảnh hưởng tới nhu cầu buôn lậu.
Về đề xuất đưa kinh doanh game vào danh mục phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, hiện nay một bộ phận không nhỏ giới trẻ rơi vào tình trạng "nghiện game", ít đọc sách... Do đó, vị này cho rằng nếu thuế là công cụ hữu hiệu để điều tiết tiêu dùng thì nên cân nhắc sử dụng đối với game online.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng dù có nhiều tác hại, game cũng góp phần phát triển kinh tế và không nên đưa vào thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông lấy ví dụ, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ về game, thành lập học viện và hình thành nền công nghiệp này. Hãng game nước ngoài muốn vào Trung Quốc thì phải liên kết với một công ty trong nước và chỉ được chiếm 5% cổ phần.
Ở Việt Nam, Chính phủ có nghị định đưa game vào một trong những dịch vụ cung ứng số. Doanh thu 2013 được 4.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7.500 người. Vì vậy, vị trưởng ngành này cho rằng có thể khuyến khích game giải trí, hạn chế game bạo lực và kiểm soát thời gian chơi.
“Hiện chưa có nước nào đưa game vào danh mục thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy tôi đề nghị không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game”, ông Nguyễn Bắc Son nói.
Hoàng Thùy - Chí Hiếu