Các biện pháp hỗ trợ chưa thực sự giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về đầu ra và tiếp cận vốn vay.
Tại Hội thảo Động thái doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 tổ chức sáng nay 26/12, bà Đoàn Thị Quyên - Viện Phát triển doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết năm qua tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã tốt lên, nhưng vẫn là một năm đầy sóng gió.
Khảo sát 700 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, vị này cho biết chỉ số động thái tổng hợp về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 vẫn ở mức âm (-8 điểm), cho thấy doanh nghiệp chưa thoát khỏi vùng đáy. Gần 8% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải ngừng hoạt động trong năm 2013 với thời gian trung bình hai tháng rưỡi, chủ yếu do chưa tìm được đầu ra và khó tiếp cận vốn vay.
|
Doanh nghiệp tiếp tục trải qua một năm đầy sóng gió.
|
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu trong nước năm 2013 giảm so với năm 2012, thậm chí độ giảm thực tế lớn hơn nhiều so với mức dự đoán cuối năm ngoái. Lãi suất dù đã giảm từ 2-3% nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp vấp phải những rào cản về thủ tục và các điều kiện vay do nợ xấu lớn khiến ngân hàng xem xét khắt khe và kỹ lưỡng hơn rất nhiều với những khoản tín dụng cấp mới.
"Lãi suất đã giảm nhưng khi được hỏi có nhu cầu vay vốn hay không thì có tới 35% doanh nghiệp cho biết sẽ không vay do lãi suất rất cao, năng lực sản xuất kinh doanh không đủ để trả tiền lãi", bà Quyên cho biết.
Thị trường khó khăn khiến doanh nghiệp phải giảm giá bán, tăng chiết khấu, dẫn tới lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm có xu hướng giảm mạnh, chỉ ở mức âm 30 điểm trong năm 2013. Số lượng công nhân viên cũng giảm do sản xuất đình đồn khiến nhu cầu tuyển dụng ít.
Trong bối cảnh trên, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa đến tận tay những người cần. Khảo sát của VCCI cho thấy có tới 42% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các giải pháp về giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản có hiệu quả "thấp và rất thấp", dường như chưa giúp ích cho nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, so với mức âm 21 điểm cuối năm 2012, chỉ số động thái doanh nghiệp năm 2013 đã có sự cải thiện, phản ánh một bộ phận doanh có niềm tin khá mạnh mẽ rằng tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 sẽ tốt hơn, báo cáo của VCCI bày tỏ. Trong quá trình khảo sát, cơ quan này cho biết khoảng 51% có kế hoạch giữ nguyên quy mô sản xuất kinh doanh, 42% dự kiến mở rộng sản xuất và 7% có thể giảm quy mô kinh doanh.
|
Doanh nghiệp kỳ vọng kinh tế thuận lợi hơn trong năm 2014 nhưng vẫn còn e ngại về sự cải thiện của hàng tồn kho.
|
Yếu tố chính khiến doanh nghiệp lạc quan trong năm tới là kỳ vọng kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn, thị trường lao động được chuyển biến. Song, doanh nghiệp vẫn e ngại về việc giảm hàng tồn kho và sức cầu trong nước được cải thiện mạnh.
Trong bối cảnh này, VCCI kiến nghị Chính phủ nên tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm là giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, quyết liệt tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng...
Tuy nhiên, trước việc nhiều chính sách chưa triển khai hiệu quả thời gian qua, ông Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng báo cáo của VCCI cần nêu cụ thể hơn những "thất vọng" của doanh nghiệp, mục tiêu cho năm tới và có giải pháp chống sốc nếu giải pháp không thực hiện được.
"Ba năm qua doanh nghiệp tin như thế những vẫn không đạt được, tại sao như vậy? Doanh nghiệp nên có những cân nhắc như thế nào? Sang năm lại tin nữa nhưng vẫn không đạt rồi chán hết thì sao", ông Tiến thắng thắn.
Phương Linh
Theo: www.vnexpress.net