Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch HHCNGC Đông Nam bộ cho biết, liên tục từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá gà đã giảm mạnh, cộng với giá thức ăn tăng cao đã đẩy người chăn nuôi trong nước lâm vào tình thế hết sức khó khăn. Hiện giá gà tam hoàng (gà lông màu) chỉ còn 38.000 – 40.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 – 12.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 2/2012. Giá gà công nghiệp (gà lông trắng) hiện cũng đã giảm sâu xuống mức dưới 20.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2013.
Ngoài việc chịu lỗ, hiện các trang trại chăn nuôi gà ở các tỉnh Đông Nam bộ đang bị tồn đọng khoảng 1 triệu con gà, trọng lượng từ 3,5 – 4kg/con nhưng chưa thể xuất chuồng. Nhiều trang trại cho biết, hiện gà đã quá thời hạn xuất chuồng nhưng không thể bán được. Nguồn cung gà thịt hiện đang rất dư thừa, trong khi thị trường lại không mặn mà với sản phẩm này, người tiêu dùng e dè với thịt gà, do đó lượng gà tồn kho đang rất lớn. Vấn đề này tiếp tục đẩy nông dân vào thế phá sản khi nguồn thức ăn tăng cao, trong khi gà không xuất bán được thì vẫn phải cho ăn. Liên tục trong thời gian gần đây, những thông tin về cúm gia cầm H5N1, H7N9 đã khiến người tiêu dùng dè dặt khi mua sản phẩm thịt gà. Chính những yếu tố trên đã khiến giá gà giảm mạnh và lượng gà tồn kho cao.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ cần có các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ cho ngành chăn nuôi trong thời điểm hiện nay. “Hiện sản phẩm chăn nuôi đang bị tồn kho rất lớn, đề nghị Nhà nước hỗ trợ nông dân thu mua tạm trữ lượng sản phẩm tồn kho này giống như thu mua tạm trữ lúa gạo”, ông Công nói. Đại diện của nhiều trang trại chăn nuôi trong khu vực cũng đồng tình với kiến nghị Nhà nước cần thu mua tạm trữ, đặc biệt là nguồn gà và lợn trong dân để ổn định thị trường.
HHCNGC Đông Nam bộ cho biết, qua thống kê, trong vùng hiện có khoảng 15.000 trại gà có vốn đầu tư từ 2 tỷ đồng/trại trở lên. Như vậy nguồn vốn mà người chăn nuôi đầu tư cho nuôi gia cầm trong khu vực Đông Nam bộ tương đương trên 3.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến những trang trại nhỏ lẻ có vốn đầu tư dưới 2 tỷ đồng/trang trại. Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HHCNGC Đông Nam bộ cho rằng, người chăn nuôi hiện đang rơi vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết. Hàng loạt các trại nuôi đã treo chuồng, nhiều trại nuôi cầm chừng không dám tái đàn. Bên cạnh, lượng gà tồn kho hiện đang rất lớn.
HHCNGC Đông Nam bộ và các chủ trang trại gà quy mô lớn trong khu vực đã kiến nghị Nhà nước có những chính sách cụ thể giải cứu cho ngành chăn nuôi. Trước mắt, Chính phủ cần thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ thuế, giãn nợ cho người chăn nuôi; bên cạnh, cần nghiên cứu cơ chế thu mua sản phẩm chăn nuôi tạm trữ giúp bà con giải phóng lượng lớn sản phẩm tồn kho để tiếp tục tái đàn; ngăn chặn tình trạng nhập lậu sản phẩm gia súc gia cầm, đặc biệt đối với gà thải loại từ nước ngoài, để tránh tình trạng phá giá thị trường làm cho sản phẩm chăn nuôi trong nước mất giá./.
Theo Sỹ Tuyên