Những ngày gần đây, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu giải khát tăng cao cùng với nhu cầu xuất khẩu dừa khô lớn thì giá dừa cũng bắt đầu tăng với tốc độ chóng mặt. Theo nhiều nông dân trồng dừa, so với cách đây 1 tháng thì giá dừa đã tăng gần gấp đôi nên nông dân trồng dừa rất phấn khởi.
Tại Bến Tre, giá dừa đang ở mức cao ngất ngưởng. Ông Lê Thành Minh, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) phấn khởi cho biết, thời gian gần đây giá dừa tươi tăng mạnh với mức giá hiện tại 55.000- 60.000 đồng/chục đối với dừa xiêm tươi; dừa khô cũng có giá khoảng 80.000 đồng/chục (12 trái).
“Mấy tuần nay, thương lái cứ gọi điện thoại thúc hẹn ngày hái dừa hoài à. Đến nay, thấy giá dừa đã lên mức khá cao nên tôi mới đồng ý bán. Nếu giá dừa ổn định ở mức này thì hiệu quả kinh tế từ vườn dừa là rất tốt. Nông dân trồng dừa chúng tôi không phải suy nghĩ chuyện đốn dừa trồng cây gì nửa rồi”- ông Minh tâm sự.
Sản lượng giảm mạnh
Dù hiện nay dừa có giá cao ngất ngưởng nhưng thời điểm này hầu hết các vườn dừa đều cho sản lượng rất thấp do dừa đang trong giai đoạn “treo cổ” (cho trái ít). Tính chung năng suất dừa năm nay cũng thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái.
Ông Phan Văn Thiện, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết, chưa năm nào dừa cho trái ít như năm nay. Bình thường thì dừa cho năng suất khá cao từ cuối năm trước đến đầu năm sau nhưng năm nay thì lượng dừa thu hoạch được chỉ bằng hơn phân nửa năm ngoái.
Hiện tại, hầu hết các cây dừa trong vườn chỉ mang 5-6 trái/buồng dừa (thậm chí có bông dừa không mang trái nào), trong khi thời điểm này năm ngoái buồng dừa nào cũng mang khoảng 10 trái. “Với 5 công dừa (5.000m2) đang cho trái, vừa rồi tôi chỉ thu hoạch được gần ba trăm dừa, trong khi thời điểm này năm ngoái thu hoạch đến hơn năm trăm dừa. Do đó, dù dừa đang có giá cao nhưng nông dân cũng không có lợi nhuận lớn như nhiều người nghĩ vì sản lượng không có”- ông Thiện nói.
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), nguyên nhân khiến dừa cho trái giảm là do nông dân bỏ bê chăm sóc, bón phân khi dừa giá thấp; cộng với việc nông dân tranh thủ thu hoạch dừa tươi khi dừa khô giá thấp làm thay đổi phần nào sinh lý, gây sốc dừa nên dừa ngưng cho trái trong thời gian nhất định.
Tuy nhiên, theo người trồng dừa thì nguyên nhân dẫn đến sản lượng dừa giảm là do ảnh hưởng thời tiết bất lợi vào cuối năm ngoái. Bởi thực tế, nhiều nhà vườn vẫn không bán dừa tươi, việc chăm sóc, bón phân vẫn thực hiện đầy đủ nhưng dừa vẫn cho năng suất thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu khẩu dừa khô từ các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc… đang tăng trở lại khiến nguồn cung không đủ cầu, dẫn đến giá dừa tăng cao.
Thương lái cũng gặp khó
Những ngày này đi về các vựa dừa thuộc địa phận tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, nhiều chủ vựa cho biết suốt ngày sốt ruột mong ngóng ghe, xuồng chở dừa đến để thu mua; thậm chí để đủ chuyến hàng, một số chủ vựa còn tổ chức nhân công đi vào các vùng trọng điểm trồng dừa thu mua trực tiếp.
Bà Lê Thị Mão, chủ vựa dừa khô ở xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) cho biết, dù mấy ngày qua dừa khô có giá rất cao nhưng lượng dừa thu mua được cũng không bao nhiêu. Hiện nay, mỗi ngày vựa dừa của bà chỉ thu mua được khoảng 4.000 trái dừa thay vì phải cần đến cả chục ngàn trái dừa mới đáp ứng đủ yêu cầu. Để đủ lượng dừa giao cho đối tác bà Mão phải liên tục hối thúc các điểm thu mua nhỏ hơn tranh thủ gom hàng và cho báo giá mới cho họ hàng ngày.
Tại Tiền Giang, các vựa thu mua dừa cũng than vãn vì không có dừa để mua. Bà Phan Thị Lệ, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết, suốt cả tuần nay bà đi liên hệ tìm mối mua dừa khắp các địa phương trong tỉnh nhưng lượng dừa thu được cũng không bao nhiêu. Đối tác thì liên tục gọi điện hối thúc thực hiện hợp đồng nên dừa đắt hàng cũng vô cùng vất vả.
Nhiều thương lái thu mua dừa cho biết, các công ty chế biến dừa ở Bến Tre đang đẩy mạnh thu mua dừa để phục vụ chế biến xuất khẩu nên đẩy giá dừa khô lên cao. Dù vậy, thị trường tiêu thụ dừa trong nước như Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội… vẫn còn rất chậm. Tuy nhiên, để có dừa cung cấp cho đối tác, các thương lái bán cho thị trường nội địa cũng phải đẩy giá thu mua lên theo mới mua được hàng.
Để dừa mãi là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững, thiết nghĩ Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu kỹ thị trường tiêu thụ dừa nội địa và xuất khẩu, trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch lại diện tích trồng dừa cả nước và giao lại quy hoạch cho từng địa phương theo diện tích đất tiềm năng. Song song đó, có biện pháp giám sát thực hiện quy hoạch, chế tài mạnh đối với trường hợp không tuân theo quy hoạch để không xảy ra tình trạng đổ xô trồng dừa ồ ạt.
Theo Thành Công