Dù các chuyên gia cho rằng, tăng giá điện là vấn đề rất tế nhị, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sản xuất, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vẫn đề xuất tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá bán điện để thu hút vốn đầu tư.
Theo Quy hoạch điện VII, tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong 10 năm từ năm 2011 đến 2020 dự kiến khoảng 1.251.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2015, ngành điện cần 501.470 tỷ đồng, bình quân 100.000 tỷ mỗi năm. Năm nay, EVN mới cân đối hơn 62% vốn, còn 186.000 tỷ chưa thu xếp được và đang kêu gọi đầu tư.
Tại Hội thảo khoa học vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách do Hiệp hội năng lượng tổ chức ngày 13/12, Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN cho hay, hiện công tác thu xếp vốn của Tập đoàn gặp không ít khó khăn chủ yếu do giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng. Nguồn vốn tín dụng thương mại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn đầu tư các dự án nguồn điện cũng không mấy sáng sủa, thậm chí có ngân hàng đã ngừng giải ngân các khoản vay dẫn đến tiến độ thi công của một số dự án bị ảnh hưởng.
“Đến nay, hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Vì vậy, mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng cho phép”, ông Thành cho hay.
Vốn vay nước ngoài cũng không khả quan do chỉ số tài chính của EVN có khả năng không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của các nhà tài trợ. Để tạo điều kiện cho Tập đoàn có đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII, ông Thành đề xuất Chính phủ cần tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.
|
Để điều chỉnh giá điện, EVN phải minh bạch các yếu tố cấu thành. Ảnh: H.H
|
Đây không phải lần đâu tiên EVN kêu thiếu vốn. Trước đó, tại nhiều hội nghị, nhà đèn đã liên tục đòi điều chỉnh giá điện để đầu tư cho các dự án trọng điểm.
Ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Kinh tế TW nhìn nhận, cần mở nút thắt về giá bán điện để khơi thông dòng vốn cho ngành điện. Về bản chất, theo ông Thạch, Việt Nam chưa có cơ chế tạo dòng vốn do giá điện bán thấp, chính sách không đủ để khuyến khích đầu tư. Trong khi giá điện bình quân các nước ở mức 15-22 cent mỗi kWh thì tại Việt Nam, con số này mới chỉ 7 cent. Trong một thời gian dài toàn bộ giá bán than cho điện được ưu đãi và gần đây mới được nâng lên. “Nền kinh tế phải bao cấp giá điện quá lâu. Giá thành cao hơn giá bán tới 10%. Chính vì cơ chế này nên ngành điện mới thiếu vốn”, ông Thạch nhìn nhận.
Theo ông Thạch, thị trường điện bán lẻ phải hình thành sớm hơn để đẩy giá bán điện lên cao hơn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đảm bảo vốn cho ngành điện. Dẫn lời nhiều doanh nghiệp Nhật, ông Thạch khẳng định, nhiều công ty của Nhật muốn đầu tư nhưng giá bán ra quá thấp nên không dám. “Chỉ cần có lợi nhuận, họ đầu tư ngay”, ông Thạch khẳng định.
Vị phó trưởng ban kinh tế trung ương cho rằng, đã đến lúc cần tạo cho xã hội tâm lý sử dụng điện phải đúng với giá thành kèm theo một tỷ lệ lợi nhuận định mức nhằm tạo ra cạnh tranh sòng phẳng. “Ta quen với bao cấp nên cứ tăng giá điện là xã hội nhao nhao lên”, ông Thạch nhìn nhận.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá, bài ca tăng giá điện là câu chuyện nhiều năm nay được bàn đến và vẫn chưa có hồi kết. Thừa nhận, vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên tính hấp dẫn chưa cao, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để điều chỉnh giá điện, quan trọng nhất là EVN phải công khai minh bạch giá cả và cần cân nhắc về tác động của việc điều chỉnh.
Phó chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng Nguyễn Minh Duệ nhìn nhận giá điện tăng khiến lợi nhuận đầu tư tăng nhưng cũng là gánh nặng cho cả doanh nghiệp sản xuất. “Cho nên vấn đề rất tế nhị, không phải cứ nói lỗ là tăng giá điện ngay đâu. Luật điện lực sửa đổi đã có rồi, cái quan trọng là phải căn cứ vào luật”, ông Duệ thẳng thắn.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi nhìn nhận, ngành điện muốn thu xếp vốn thì bức tranh tài chính lỗ hay lãi phải được công khai và đáng tin cậy. Cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, EVN vẫn thu xếp được hơn 100.000 tỷ vay vốn làm điện là nỗ lực lớn. “Tuy nhiên, muốn lợi nhuận cao thì giá thành phải giảm. Còn nếu để giá thành vống lên, không chịu giảm thì không bao giờ có lãi", ông Ngãi nói.
Đồng tình quan điểm trên, ông Duệ cho rằng, để doanh thu tăng, cần giảm chi phí thông qua tiết kiệm trong khâu phát, truyền tải, phân phối và sử dụng điện năng. Ngoài ra, hệ thống điện còn cồng kềnh, vấn đề quan trọng trước mắt là phải đổi mới, tái cơ cấu. “Tăng lợi nhuận thì phải nhìn hai phía, nếu giá điện còn thấp thì tăng, nhưng vế thứ hai, cần giảm chi phí ở tất cả các mặt”, ông Duệ nói.
Hoàng Lan