Chỉ còn hai tuần nữa là đến tết Nguyên đán nhưng giá gà, giá trứng đột ngột giảm mạnh khiến hy vọng ăn một cái tết “ấm” của nhiều hộ chăn nuôi bị dập tắt. đặc biệt, nhiều trang trại chăn nuôi lớn ở các tỉnh sắp phải lâm vào cảnh nợ nần.
Bán lỗ vẫn không ai mua
Anh Nguyễn Văn Nghĩa, chủ trại gà Đông Hòa (Dĩ An, Bình Dương), than thở giá gà lông trắng vào đầu tháng 1-2014 đã giảm xuống còn 20.000-21.000 đồng/kg và tới nay (ngày 13-1) tiếp tục “rơi tự do” xuống còn 16.000-17.000 đồng/kg. Nếu so với giá thành đúng của gà lông trắng là 31.000-32.000 đồng/kg thì người nuôi gà đã lỗ tới 14.000-15.000 đồng/kg. Còn đối với gà lông màu giá đã giảm chỉ còn 31.000-32.000 đồng/kg, người nuôi lỗ khoảng 10.000 đồng/kg.
Hơn một tuần nay, anh Trần Quang Sáng, chủ trại gà ở Đồng Nai, đứng ngồi không yên bởi một nửa đàn gà (lên tới 100.000 con) đã quá lứa gần chục ngày rồi mà vẫn không ai mua dù giá giảm mạnh. “Giá gà cận tết mà giảm xuống còn 16.000 đồng/kg thì tôi chỉ có khóc ròng. Nuôi gà cả năm lỗ vài trăm triệu đồng, đến gần cuối năm nuôi mới trả nợ được một ít, vậy mà giờ chịu thêm đợt lỗ nặng này nữa nợ nần lại chồng chất” - anh Sáng thở dài.
Nguồn cung tăng, thịt nhập ồ ạt đã đẩy giá gà, trứng giảm mạnh khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Ảnh: QH
Không chỉ giá gà giảm mà giá trứng cũng làm nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị thiệt hại. Theo ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, giá trứng gà hiện chỉ còn 15.000-16.000 đồng/chục. Với giá này, người nuôi chỉ lãi 100 đồng/quả. Giá trứng mới tăng lại thêm 200 đồng/quả so với cách đây vài ngày nhưng trang trại gà đẻ vẫn không có lời. Đấy là chưa nói vẫn chưa ai mua, tâm lý thương lái lẫn doanh nghiệp (DN) là mua lẻ tẻ chờ sát tết mới mua nhiều.
Do nhập khẩu thịt?
Nguyên nhân giá giảm được các trang trại chỉ ra là do nhập khẩu thịt gia cầm quá nhiều trong cả năm lẫn giai đoạn cận tết. Anh Trần Quang Sáng, chủ trại gà ở Đồng Nai, cho hay: “Tôi và một vài chủ trang trại đã khảo sát tại các chợ, các siêu thị và thậm chí các quán ăn, nhà hàng. Kết quả cho thấy thịt gà nhập quá nhiều.
Tại Siêu thị Big C, chúng tôi thấy rất nhiều gà nguyên con đông lạnh không đầu được nhập từ Hàn Quốc. Gà quay nguyên con cũng đều ghi xuất xứ gà dai Hàn Quốc bán với giá rất rẻ chỉ 89.000 đồng/con. Chưa kể đùi gà, chân gà, các loại phụ phẩm phần lớn đều nhập từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan…” - anh Sáng nói.
Nghịch lý là mặc dù giá gà, trứng giảm sâu nhưng ở các chợ lẻ và cả trong siêu thị vẫn bán với giá cao, không giảm. Tại các chợ giá gà công nghiệp nguyên con vẫn bán ở mức 58.000-60.000 đồng/kg, giá trứng vẫn là 2.500-2.700 đồng/quả, cao hơn từ 60% đến 100% giá bán tại trại. Trứng gà tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte Mart vẫn ở mức 2.500 đồng/quả, gà thả vườn 63.000-67.000 đồng/kg tùy siêu thị.
Còn theo ông Châu Nhựt Trung, Tổng Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, do vào quý III-2013, giá chăn nuôi tăng trở lại đã khiến các trang trại ồ ạt tái đàn, các trang trại heo thua lỗ chuyển sang nuôi gà nhiều hơn khiến nguồn cung tăng đột biến.
Đồng tình, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết nhìn vào lượng thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu tăng hơn 6% so với năm 2012 là đủ biết tình trạng sản xuất tăng mạnh. Thời điểm thấy giá gà được giá thì chăn nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu.
Theo ông Vang, mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu 5.900 tấn thịt, tính ra trong năm qua nước ta nhập từ 71.000 đến 72.000 tấn thịt. Trong đó chỉ có 3.000 tấn thịt heo, bò còn lại chủ yếu là thịt và phụ phẩm gia cầm.
“Tuy nhiên, số lượng thịt nhập khẩu chỉ chiếm 2% trên tổng lượng thịt tiêu thụ cả nước, thịt gia cầm chiếm 5,5% còn thịt heo chỉ chiếm 0,1%. Nếu bù qua lượng thịt xuất khẩu (chủ yếu thịt heo sang Trung Quốc) chiếm 1% thì thực tế lượng thịt nhập chỉ còn chiếm 1% trên tổng lượng thịt tiêu thụ cả nước. Nên thực sự thịt nhập khẩu chiếm tỉ lệ rất nhỏ không đủ gây ảnh hưởng đến giá” - ông Vang lý giải.
Theo Quang Huy