Những năm trước, người Trung Quốc đổ xô mua sữa công thức châu Âu, rồi đến sữa New Zealand. Còn giờ, họ lại chuộng gạo Nhật.
Theo công bố của Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Nhật Bản, năm 2014, Trung Quốc đã nhập khẩu 160 tấn gạo từ nước này. Con số vẫn còn khá nhỏ, song đã tăng gấp 3 so với trước đó một năm. "Nông dân Trung Quốc sử dụng thuốc trừ sâu, còn gạo Nhật không bị nhiễm kim loại ", Yingying - một người kinh doanh gạo Nhật trên trang bán hàng online Taobao cho biết trên Reuters.
|
Nông dân Trung Quốc sử dụng thuốc trừ sâu, còn Gạo Nhật thì không chứa kim loại. Ảnh: AFP
|
Ô nhiễm từ quá trình công nghiệp hóa đã tác động đến nguồn nước và đất đai của Trung Quốc. Tháng 5/2013, quan chức tỉnh Quảng Đông cho biết, 44% mẫu gạo nước này chứa vượt nồng độ kim loại cadmium cho phép.
Một nghiên cứu của Bộ Bảo vệ môi trường tháng 4/2014 cũng cho thấy, hơn 16% đất Trung Quốc đã bị ô nhiễm. Tại nhiều vùng, người dân còn không dám ăn những gì họ trồng ra. Sau những công bố về hàm lượng cadmium vượt mức trong gạo, người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chuyển sang dùng gạo nhập khẩu.
Tại Trung Quốc, gạo Nhật rất khó mua và không hề rẻ. Mặt hàng được nhập khẩu bởi hãng kinh doanh ngũ cốc - COFCO và bán với giá 74 NDT (khoảng 12 USD) một kg tại PinStore - một siêu thị bán hàng online. Trong khi đó, gạo Trung Quốc chỉ có giá bằng một phần mười. Khi nhu cầu tăng, người dân lại chuyển sang mua gạo trực tiếp từ người Nhật, qua các kênh mua hàng trực tuyến như Taobao của Alibaba.
Theo Taobao, có người từng mua tới 5 kg gạo Nhật với giá gần 1.500 NDT. Giá rất cao, nhưng cũng chẳng làm nản lòng nhiều người. "Gạo Nhật ăn ngon hơn, đáng tiền hơn cả về hình thức lẫn hương vị", một người dùng nhận xét trên Taobao.
Trước thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng, một số công ty gạo Trung Quốc đã tuyên bố họ sử dụng hạt giống của Nhật. Xinxie Yueguang Triết Giang cho biết, loại gạo Echizen của mình an toàn, sử dụng nguồn nước tinh khiết và được kiểm định nghiêm ngặt. Đằng sau bao bì còn giới thiệu loại gạo này được trồng bằng hạt giống Nhật. Nhưng thực chất, chúng được trồng tại Changxing – một trung tâm sản xuất pin axit-chì ở Triết Giang,
Mỗi năm, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 120 triệu tấn gạo. Theo Hải quan nước này, 11 tháng đầu năm ngoái, họ nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn, trong đó 1,2 triệu tấn từ Việt Nam và 626.000 tấn từ Thái Lan.
Nhật Bản chỉ là nước xuất khẩu gạo nhỏ, với hơn 3.700 tấn trong 11 tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp. Tuy nhiên, họ đang tăng cường xuất khẩu nông sản đến các nước châu Á.
Dù vậy, đến nay, chính quyền Trung Quốc mới chỉ cấp phép cho một nhà máy xay xát Nhật đưa gạo vào Trung Quốc. Những hãng khác đang làm đơn xin nhưng đều bị trì hoãn. Một số bên cung cấp đã phải đợi đến năm thứ ba, giới chức Nhật cho biết.
Hương Giang