Từ vỏ bình gas thật của các thương hiệu uy tín như Sài Gòn Petro, Vinagas, Total, các cơ sở làm giả đã tháo van, dập chữ nổi, cắt quai... để hoán cải thành bình do mình sản xuất. Hiệp hội Gas Việt Nam vừa cho biết, phát hiện công ty Thành Tài đang sản xuất vỏ bình gas mang nhãn hiệu TTA Gas nhưng trong kho lại chứa 4.524 vỏ bình gas của các công ty gas khác. Một trong số các bình gas này đang trong hiện trạng bị cắt quai, đế, mài xóa logo... sau đó được hàn lại để đắp logo của TTA Gas. Qua đó có thể thấy, việc làm giả vỏ bình gas vẫn đang được thực hiện một cách tinh vi.
Thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn của thương hiệu hãng được khắc nổi trên vỏ, bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Vỏ bình cũng phải có tem kiểm định sau khi thử áp lực... rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường. Giá mỗi chiếc bình loại 12kg khoảng 600 nghìn đồng. Nhưng vì chi phí để sản xuất một vỏ bình gas quá cao nên vỏ bình gas thường xuyên bị làm giả.
Theo đó, một số đơn vị kinh doanh gas do không đủ khả năng đầu tư vỏ bình đã lấy bình gas của công ty khác về "phù phép” biến thành bình của hãng mình với hình thức thu mua các vỏ bình gas quá hạn kiểm định, rồi thay tên thương hiệu, ngang nhiên bán với giá 600.000 đồng.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, việc hoán đổi vỏ bình gas này rất nguy hiểm, vì khi thay tay xách, thay chân đế, thay chỏm bằng các biện pháp như cắt rồi hàn, dập sẽ khiến bình gas bị tác động gây biến dạng, nguy cơ cháy nổ rất cao.
Theo ước tính có đến gần 40%, tức hàng triệu bình gas trôi nổi. Điều này cũng giải thích tại sao, trong thời gian gần đây các vụ việc cháy nổ liên quan đến gas thường xuyên xuất hiện.
Đến ruột gas cũng giả
Thị trường gas không chỉ bị nhiễu về giá mà còn loạn về vỏ bình, ruột gas . Gas lậu cũng được sang chiết vô tội vạ không theo một tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật nhất định.
Theo Hiệp hội Gas, mặc dù họ đã ký quy chế phối hợp với lực lượng công an và vẫn cung cấp thông tin những trạm sang chiết gas có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên tình trạng sang chiết gas lậu vẫn không có dấu hiệu giảm.
Tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, rất nhiều cơ sở sang chiết gas lậu được phát hiện, nguy hiểm hơn, nhiều cơ sở còn pha gas với nước lã. Còn tại Hà Nội, Bắc Ninh hành vi sang chiết gas lậu nằm ngay giữa khu dân cư cũng mới được lực lượng quản lý thị trường phát hiện. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những phần nổi của tảng băng chìm. Đại diện Cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận các vi phạm liên quan đến gas ngày càng nhiều, phức tạp, liên kết thành hệ thống.
Một chuyên gia kỹ thuật về khí hóa lỏng cho biết, đối với thị trường gas, không những vi phạm về chất lượng mà còn cả cách bảo quản, vận chuyển. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6223:1996) về yêu cầu vận chuyển khí đốt hóa lỏng thì xe gắn máy chỉ được phép chở một bình gas và chở theo phương thẳng đứng. Tuy nhiên, phần lớn các nhân viên chở gas bằng xe gắn máy ngang nhiên cho bình gas nằm ngang. Đi đường, gặp xóc rất dễ phát nổ.
Nguyên phó Ban chỉ đạo 127 TP. Hà Nội (Ban chống hàng lậu, hàng giả thành phố) ông Vũ Vĩnh Phú khẳng định, với bất kỳ sản phẩm nào thì sự phối hợp quản lý cũng yếu kém. Khi xảy ra vấn đề vi phạm chất lượng hay giá cả thì bộ nọ đẩy sang ngành kia, khiến việc quản lý càng trở nên lỏng lẻo.
Theo Đ.H
Đại đoàn kết