Cập nhật lúc:
6/10/2012 7:02:35 AM
Trong khi giá cà phê trên thế giới với xu hướng giảm, thì riêng Việt Nam là nước chủ lực về sản xuất cà phê robusta lại có giá xuất khẩu cà phê liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Thành quả này có được một mặt là nhờ nông dân trồng cà phê nước ta đã trở thành những “nhà kinh doanh” rất kỷ luật, mặt khác được hưởng lợi từ diễn biến trái chiều giữa 2 loại cà phê trên thị trường thế giới.
Từ cuối tháng 5/2012 đến nay, giá cà phê nhân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng cao, đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Đến thời điểm này, giá cà phê nhân xô đã đạt 43.000 đồng/kg, cà phê loại R1C là 44.100 đồng/kg và cà phê loại R1A có giá 44.300 đồng/kg.
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam có giá ngang với giá trên sàn Liffe ở London. Cà phê giao trong tháng 6 và 7, mức giá tuần này được khách hàng trả ngang giá giao dịch trên sàn Liffe, tăng 10 USD so với tuần trước, hiện giá FOB đạt từ 2.100 - 2.200 USD/tấn (tùy loại).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu 5 tháng đạt 860 ngàn tấn, kim ngạch gần 1,8 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng cả về lượng (7,8%) và giá trị (3%). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng là 2.087 USD/tấn.
Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức và Hoa Kỳ đều tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý là thị trường Indonesia tăng trưởng đột biến, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2011.
Như vậy, với sản lượng cả niên vụ 2011-2012 là 1,3 triệu tấn, đến nay Việt Nam đã xuất hơn 1,05 triệu tấn. Lý giải giá cà phê Việt Nam “lội ngược dòng” thị trường cà phê thế giới, là bởi hiện đang có diễn biến trái chiều giữa hai loại cà phê arabica và robusta.
Trên thế giới, arabica (cà phê chè) vốn được coi là loại cà phê chất lượng cao, năng suất thấp nên giá thường đắt gấp 2 lần so với cà phê robusta. Việt Nam chủ yếu trồng cà phê robusta (cà phê vối) là loại cà phê có giá bán thấp, nhưng năng suất cao gấp nhiều lần cà phê arabica.
Chỉ trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ nhất thế giới về sản xuất cà phê robusta. Trong nhiều năm, hai thị trường cà phê lớn là sàn ICE (New York), nơi giao dịch arabica và sàn Liffe (London) chuyên giao dịch robusta thường xuyên bị thống trị bởi những nhà sản xuất chuyên nghiệp như Nestle và những nhà buôn lớn như Louis Dreyfus Commodities.
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam có giá ngang với giá trên sàn Liffe ở London. (Ảnh minh họa).
Nếu như trước đây, thế giới ưa chuộng cà phê arabica vì độ thơm ngon, thì nay nhu cầu tiêu dùng cà phê robusta ngày càng tăng cao, vì hai lẽ, cà phê robusta chế biến thuận lợi hơn và giá rẻ hơn dễ được người tiêu dùng chấp nhận trong giai đoạn khủng hoảng tài chính hiện nay.
Giá cà phê robusta thế giới biến động tăng mạnh trong tháng 5/2012 và tiếp tục giữ được đà tăng trong tháng 6, trong khi giá cà phê arabica vẫn có xu hướng giảm. Giá cà phê robusta đã tăng 23% trong năm nay do nhu cầu tăng cao, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Nhu cầu cà phê sẽ tăng khoảng 2% trong năm nay.
Theo Tập đoàn môi giới London-Spectron Marex, sự tăng trưởng ngành hàng cà phê chủ yếu đến từ cà phê robusta. Hãng này cho biết, xu hướng tăng nhu cầu cà phê robusta làm cho thị trường cà phê robusta toàn cầu thắt chặt, dẫn đến giảm dự trữ cà phê châu Âu. Khoảng cách giá giữa abrica và robusta đã thu hút giới đầu tư cà phê thế giới đổ tiền vào robusta.
Việt Nam ít nhiều được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ sự “đổi ngôi” này. Từ đầu năm, giá arabica - hạt cà phê chất lượng cao được chuyên dùng chế biến espresso, đã giảm hơn 20% trong khi giá robusta, thường được sử dụng sản xuất cà phê hòa tan, lại tăng gần 10%. Nhu cầu hạt cà phê chất lượng thấp hơn ngày càng tăng mạnh đã đẩy giá cà phê robusta, kéo ngắn khoảng cách giá của hai loại hạt cà phê.
Tại châu Âu, thương gia và giới phân tích cho rằng nhu cầu robusta cho các loại cà phê hỗn hợp của các nhà sản xuất cà phê khi kinh tế đi xuống cũng đã làm ảnh hưởng đến giá trị rổ hàng hóa của những người tiêu dùng bình thường.
Giá robusta bị đẩy lên cao còn là bởi nông dân Việt Nam găm hàng và chỉ bán khi giá vượt mức hơn 40 nghìn đ/kg thì mới bán ra. Lạm phát cao ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc nông dân cũng sẽ thích găm hàng hơn là giữ tiền mặt.
Ông Markus Brüschweiler, Giám đốc thu mua của United Coffe nhận xét: nông dân Việt Nam hiện đã trở thành những nhà buôn rất kỷ luật. Việc nông dân phát triển loại cà phê robusta thay vì loại arabica là hoàn toàn đúng đắn.