Cập nhật lúc:
4/21/2012 6:13:25 PM
Đa số người VN ủng hộ cao mô hình kinh tế thị trường, đòi hỏi mức độ minh bạch cao nhưng lại ủng hộ việc Nhà nước nên can thiệp vào thị trường liên quan đến giá các hàng hóa thiết yếu.
Sáng 13/4, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại sứ quán Ireland công bố báo cáo khảo sát “Việt Nam chuyển đổi – Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2011” (CAMS 2011).
Việc giá cả được quyết định bởi quan hệ cung cầu và cạnh tranh là một trong những đặc trưng của kinh tế thị trường, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, một trong những tác giả bản báo cáo thì cuộc khảo sát lần này lại đưa đến một kết quả đáng ngạc nhiên là đa số người Việt Nam cho rằng Nhà nước nên can thiệp vào thị trường.
Theo đó 68% người trả lời cuộc điều tra cho rằng, Nhà nước nên can thiệp vào thị trường để bình ổn giá của nhưng hàng hóa thiết yếu tiêu thụ bởi các hộ gia đình. Tỷ lệ cho rằng giá cả nên được quyết định bởi thị trường chỉ hơn 1/4 số người trả lời điều tra.
Lý giải về điều này, nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể do phần lớn hàng hóa thiết yếu tiêu thụ bởi các hộ gia đình chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kinh doanh độc quyền, thống lĩnh thị trường (như điện, xăng dầu, ngoại tệ, vàng, đất đai, các nguyên liệu cơ bản, dịch vụ tài chính, hàng không, đường sắt…) nên người dân lo ngại về hệ quả xấu, nếu Nhà nước không có sự kiểm soát tốt.
Việc đổ lỗi cho đầu cơ, lợi dụng của những người kinh doanh để trục lợi, đồng thời mong muốn về sự can thiệp kịp thời của cơ quan nhà nước cũng được coi là một trong những lý do khiến kỳ vọng của người dân, của doanh nghiệp vào nhà nước trong quản lý thị trường tăng lên.
Ngoài ra, bà Lan cũng cho rằng, một nguyên nhân kế đến cũng có thể là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao trên nhiều lĩnh vực những năm gần đây cũng đã tác động đến kỳ vọng của người dân về vai trò của Nhà nước trong can thiệp và bình ổn giá cả.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, trong cơ cấu của đối tượng khảo sát cần chú ý đến thành phần xã hội để thấy được lợi ích mà các đối tượng này được hưởng.
Lấy ví dụ về chính sách bình ổn giá, điều đáng chú ý là 50% người đánh giá không có hiệu quả hoặc rất ít hiệu quả. Cộng thêm 7% cho rằng hoàn toàn không hiệu quả và 7% không biết thì tỷ lệ đánh giá biện pháp này ít có hiệu quả là rất lớn.
Trong số đó, tỷ lệ đồng ý chiếm 8% và 28% cho rằng chương trình khá hiệu quả. Ông Doanh cho rằng, kết quả này là hợp lý và lý giải được. Chương trình đã tạo ra một nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi và những nhóm người không được hưởng lợi. Cụ thể, những doanh nghiệp được cho phép tham gia bình ổn, được hưởng tín dụng 0% thì dĩ nhiên họ sẽ ủng hộ chương trình này.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Việc người dân vừa muốn đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa lại vừa muốn nhà nước can thiệp là do vẫn còn tình trạng độc quyền ở một số mặt hàng nhạy cảm (ảnh B.D).
Không có mô hình kinh tế nào “thuần khiết”!
Ngoài ra, theo điều tra của CAMS lần này, có 87% người được hỏi ủng hộ kinh tế thị trường, 69% cho rằng sở hữu tư nhân là ưu việt, 92 % cho rằng công khai minh bạch là cần thiết.
Kết quả khảo sát năm nay cho thấy một bức tranh tương đối mâu thuẫn. Điều này thể hiện ở thực tế là mặc dù đa số người Việt Nam ủng hộ cao mô hình kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân đối với doanh nghiệp, đòi hỏi mức độ minh bạch cao trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước…. nhưng lại ủng hộ việc Nhà nước nên can thiệp vào thị trường liên quan đến giá các hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, góp vào phần tham luận, chuyên gia kinh tế cao cấp Nguyễn Minh Phong nhận xét, bản báo cáo mới chỉ đề cập đến 2 khái niệm “mô hình kinh tế nhà nước thuần khiết” và mô hình “kinh tế thị trường thuần khiết” mà cả hai mô hình này hiện nay đều không tồn tại. Tất cả các nền kinh tế trên thế giới hiện nay đều cần cả sự can thiệp của bàn tay vô hình của thị trường và bàn tay hữu hình của nhà nước.
Riêng đối với Việt Nam, ông Phong cho rằng, việc người dân vừa muốn đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa lại vừa muốn nhà nước can thiệp là do vẫn còn tình trạng độc quyền ở một số mặt hàng nhạy cảm.
CAMS 2011 được khảo sát dựa trên phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản với 1.000 doanh nghiệp thuộc khu vực dân doanh, FDI, doanh nghiệp nhà nước, 250 người từ cơ quan nhà nước trung ương, cơ quan Quốc hội, Đảng, 250 người từ các cơ quan nhà nước địa phương và 100 nhà nước nhà báo, cùng các thành viên từ các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế.
Theo nhiều đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bản báo cáo nên được các nhà hoạch định chính sách tham khảo để từ đó đánh giá được những tác động của chính sách đối với từng nhóm người khác nhau trong xã hội.
Theo Bích Diệp
Dân trí