Giá dầu khó tìm lại thời vàng son
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 1394
Hôm qua: 3264
Tổng số: 8838426
 

 
 

Cập nhật lúc: 12/1/2014 4:46:33 PM
Hiếm có cuộc họp nào của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lại được quan tâm như buổi làm việc cuối tháng 11 vừa qua, khi giá dầu đã giảm 30 USD trong một thời gian ngắn.

5 năm trước (giai đoạn 2008-2009), giá dầu thế giới từng rơi vào khủng hoảng khi giảm mạnh từ trên 147 USD về 33 USD một thùng (giảm hơn 75%). Đây là giai đoạn đỉnh cao của cuộc khủng hoảng kinh tế, suy thoái toàn cầu nên nhu cầu năng lượng giảm là điều dễ hiểu.

Ngược lại, bối cảnh 2014 với bạo lực đang leo thang tại Trung Đông, khủng hoảng Nga-Ukraina cộng với nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi... khiến nhiều tổ chức kinh tế, giới chuyên môn đều nhận định ngay từ đầu năm rằng giá dầu sẽ bật tăng. Tuy nhiên, khi chỉ còn chưa đầy một tháng là kết thúc năm 2014, giá dầu đã giảm từ mức gần 110 USD về sát 80 USD một thùng cuối tháng 10/2014.

dau-mo-JPG-7393-1417403381.jpg

OPEC vẫn quyết định không cắt giảm sản lượng dầu mỏ dù giá dầu thế giới đang giảm mạnh. Ảnh: Reuters

Có nhiều yếu tố dẫn đến giá dầu giảm, trong đó sản lượng dầu được khai thác từ đá phiến tại Mỹ tăng mạnh khiến nguồn cung từ quốc gia này nhảy vọt. Các tập đoàn dầu khí của Mỹ trước đây chủ yếu dùng tàu thuyền để chở dầu nay phải sử dụng cả xe lửa cho thấy nguồn cung rất dồi dào. Bên cạnh đó, công nghệ này đang có xu hướng lan rộng sang các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác đã làm áp lực lên giá.

Trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt gói nới lỏng định lượng (QE3) và đánh tiếng sớm nâng lãi suất, đồng đôla Mỹ trở thành một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong năm 2014, khiến giá cả hàng hóa trong đó có dầu thô (được định giá bằng USD trên thị trường quốc tế) đi xuống.

Các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và Châu Âu về khủng hoảng tại Ukraina, trong đó có “âm mưu” làm giá dầu giảm để tác động xấu đến nền kinh tế này cũng là một tin đồn ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu. Ngoài ra, Mỹ và các nước đồng minh tại Châu Âu luôn có quan hệ chặt chẽ về nhiều mặt với OPEC, do vậy khối này hầu như không có động thái nào để đẩy giá.

Do đó, cuộc họp của OPEC được kỳ vọng có thể góp phần ngăn chặn diễn biến tiêu cực của giá dầu. Tuy vậy, kết quả là tổ chức này vẫn quyết định không cắt giảm sản lượng, khiến giá dầu rơi về sát 65 USD một thùng, giảm khoảng 40% tính từ mốc cao nhất năm 2014.

Dau-tho-2038-1417405431.jpg

Giá dầu kỳ vọng để một số quốc gia có thể cân bằng ngân sách. Nguồn: Deutsche Bank, IMF

Không như dự đoán, quyết định này lại được Nga - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới ngoài khối OPEC “cảm thấy hài lòng”. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng như Igor Sechin, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Rosneft cho rằng các công ty dầu khí của Nga đã “thích nghi” với tình trạng giá dầu luôn biến động. “Giá dầu giảm, kể cả xuống dưới 60 USD một thùng, cũng không tồi tệ đến mức phải ngay lập tức cắt giảm sản lượng”.

Việc cắt giảm nguồn cung có thể khiến giá tăng nhưng có thể làm nhu cầu giảm, ảnh hưởng đến quyết định mua dầu của các khách hàng. Chẳng hạn họ có thể tìm tới dầu “chợ đen” hay các đầu mối cung dầu ngoài nhóm này, trong đó có phiên quân IS, nhóm đã chiếm được hàng loạt mỏ dầu và đem bán với giá rẻ. Việc giá tăng cũng có thể khiến nguồn tài chính của nhóm này mạnh hơn.

Giá dầu tăng có thể sẽ khiến các năng lượng thay thế được dịp phát triển nhiều hơn, ảnh hưởng đến dầu mỏ về lâu dài. Còn khi giá thấp, những hoạt động nghiên cứu năng lượng thay thế sẽ chững lại, dầu mỏ vẫn sẽ là năng lượng quan trọng và là “vàng đen” của thế giới.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm nguồn cung cũng không đơn giản bởi Nga không thể dễ dàng ngừng khai thác các giếng dầu ở Siberia. “Rất khó đóng cửa các giếng dầu trong mùa đông, Chúng tôi không phải là Arab Saudi với khả năng giảm sản lượng một cách nhanh chóng”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak phát biểu.

Đồng ruble Nga cũng là đồng tiền giảm giá mạnh thứ nhì thế giới trong năm nay (sau đồng peso của Argentina bởi vụ vỡ nợ hồi đầu năm) nên dù giá giảm nhưng Điện Kremlin cho biết vẫn cảm thấy “ổn” khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô vẫn ổn định giúp ngân sách không bị thất thu. Tương tự, nhờ đôla Mỹ tăng giá, khối OPEC cũng không bị thâm hụt nhiều. Và xét về nhiều mặt quan hệ với Mỹ và các đồng minh, giá dầu tăng trở lại có thể “lợi bất cập hại”.

Trước việc giá dầu giảm mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu ngay lập tức phản ứng suốt mấy tháng qua. Cổ phiếu nhóm ngành năng lượng được các nhà đầu tư “ưu tiên” bán ra, cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí lớn đều lao dốc. Chứng khoán Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi giảm suốt 3 tháng và có một phần tác động rất lớn của việc nhóm dầu khí rớt giá, bất chấp nhiều nhóm khác chỉ giảm nhẹ, tích lũy, thậm chí tăng.

Cụ thể, chỉ trong 3 tháng, cổ phiếu GAS giảm từ gần 130.000 về sát mức 85.000, PVD từ 110.000 về 75.000. Đây là hai mã cổ phiếu có vốn hóa hàng đầu tác động mạnh đến VN-Index nên đã đẩy chỉ số giảm sâu. Ở sàn Hà Nội, những mã như PVS, PVC giảm cũng tác động tiêu cực đến HNX-Index.

Tuy vậy, đa số người dân, doanh nghiệp... đều vui hơn với giá dầu giảm, khi về lâu dài các chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm đi, chính phủ dễ dàng hoạch định chính sách hơn, người dân có cuộc sống “dễ thở” hơn. Nền kinh tế Việt Nam còn được hỗ trợ khi VND/USD ổn định trong thời gian dài, giúp chi phí đi vay rẻ hơn. Minh chứng là nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đã được hoàn nhập dự phòng nhờ VND tăng giá. Thị trường chứng khoán nơi niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp về dài hạn sẽ được hỗ trợ tích cực để phát triển khi doanh nghiệp có nhiều cơ hội để đẩy mạnh kinh doanh hơn nữa.

Phan Dũng Khánh

Giám đốc Tư vấn Đầu tư - Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Theo: www.vnexpress.net

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che