Giá dầu có thể xuống tới mức nào và kéo dài trong bao lâu là câu hỏi được đặt ra sau khi dầu mất giá tới 50% trong năm nay.
Nhiều người không đủ tự tin để trả lời câu thứ nhất, còn câu thứ 2 lại khá dễ dàng, Reuters nhận xét.
Giá dầu thấp sẽ kéo dài cho đến khi một trong hai sự kiện sau xảy ra. Thứ nhất, cũng là điều được giới kinh doanh và các nhà phân tích đang mong đợi, đó là Ảrập Xêút sẽ tái lập sức mạnh độc quyền sau khi đạt được các mục tiêu kinh tế hoặc địa chính trị vốn đang đẩy giá dầu xuống thấp.
Thứ hai là thị trường dầu thế giới sẽ tiến tới trạng thái cạnh tranh bình thường mà ở đó, giá dầu được ấn định dựa vào chi phí sản xuất cận biên, hơn là Ảrập Xêút hoặc thế lực độc quyền như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Đây có vẻ là viễn cảnh xa vời, nhưng nó khá giống với diễn biến thị trường dầu hai thập kỷ trước, giai đoạn 1986-2004.
Tuy nhiên, dù là tình huống nào, chúng ta vẫn có thể chắc chắn nó sẽ diễn ra trong một thời gian dài. Điều vướng mắc hiện tại là giá dầu giảm vài tháng gần đây liệu đã đủ để Ảrập Xêút phá vỡ trục Nga - Iran hoặc ghìm sự tăng trưởng của dầu đá phiến ở Mỹ hay chưa? Và liệu thị trường dầu có thể dễ dàng chuyển từ trạng thái chịu sự thống trị của OPEC sang cạnh tranh bình thường?
|
Dầu đang được khai thác tại Alberta (Canada). Ảnh: Reuters
|
Nhiều nhà đầu tư với kỳ vọng giá dầu sẽ nhanh chóng tăng trở lại có thể sẽ phải thất vọng. Điều tốt nhất họ có thể trông chờ lúc này là vùng giá mới thấp hơn đáng kể, sau cuộc chiến kéo dài nhiều năm xung quanh thị phần dầu mỏ và sự thống trị của các nước Trung Đông.
Câu hỏi đặt ra là liệu giá dầu khoảng 55 USD hiện nay là gần với mức sàn hay mức trần của trạng thái thị trường mới?
Trong 40 năm từ khi OPEC chứng tỏ sức mạnh độc quyền của mình, giá dầu có thể chia làm 3 giai đoạn. Đầu tiên là 1974-1985, giá dầu thô WTI của Mỹ dao động ở mức 48-120 USD một thùng (đã điều chỉnh theo thời giá hiện nay). Năm 1986 tới 2004, giá ở ngưỡng 21-48 USD (không tính giai đoạn khủng hoảng Nga năm 1998 và chiến tranh Iraq năm 1991). Từ năm 2005 tới nay, giá dầu trở lại ngưỡng năm 1987-1995, là 50-120 USD, không tính giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Điều đáng chú ý là trong 10 năm qua, giá dầu quay lại trạng thái giống hệt thập kỷ đầu tiên dưới sự thống trị của các nước OPEC (1975-1985). Nhưng giai đoạn 1986-2004 lại ở trạng thái hoàn toàn khác biệt. Sự khác nhau này có thể được lý giải bởi sự kiện sức mạnh độc quyền của OPEC sụp đổ vào năm 1985. Khiến thị trường chuyển từ trạng thái giá độc quyền sang cạnh tranh trong 20 năm sau.
Đến năm 2005, OPEC giành lại thế độc quyền nhờ tận dụng nhu cầu dầu mỏ bùng nổ của Trung Quốc. Chúng ta có thể thấy ranh giới của thời kỳ độc quyền và cạnh tranh là mức giá quanh 50 USD một thùng. Tuy nhiên, đây sẽ là mức giá trần hay sàn trong năm tới?
Cũng giống giai đoạn 1986-2004, chúng ta có lý do cho rằng giá dầu sẽ được giao dịch ở ngưỡng 20-50 USD.
Áp lực môi trường và công nghệ đang làm giảm nhu cầu dầu trong dài hạn. Nó cũng đe dọa biến các mỏ dầu có chi phí khai thác lớn bên ngoài Trung Đông trở thành “tài sản bị mắc kẹt”, giống như những mỏ than đá khổng lồ không ai muốn trên trái đất. Trong dài hạn, áp lực lên giá dầu còn có khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga và Iran, hay nội chiến tại Iraq và Libya kết thúc. Việc này sẽ giải phóng trữ lượng dầu còn lớn hơn của Ảrập Xêút ra thị trường thế giới.
Cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ có lẽ là luận điểm vững chắc nhất cho sự trở lại của thời kỳ giá cạnh tranh, loại bỏ chế độ độc quyền của OPEC những năm 1974-1985 và 2005-2014. Dù dầu đá phiến có giá thành khá cao, việc sản xuất lại có thể khởi động, kết thúc dễ dàng và rẻ hơn phương pháp khai thác truyền thống.
Điều này cũng có nghĩa là các hãng sản xuất dầu đá phiến sẽ thay thế vị trí dẫn đầu của người Ảrập. Trên thị trường cạnh tranh thực sự, Ảrập Xêút và các nước sản xuất với chi phí thấp khác sẽ luôn phải bơm ra thị trường lượng dầu tối đa. Còn sản lượng dầu đá phiến hoàn toàn có thể điều chỉnh theo nhu cầu tăng giảm. Việc này cho thấy chi phí cận biên của dầu đá phiến Mỹ, ước tính khoảng 40-50 USD mỗi thùng, sẽ là mức trần cho giá dầu thế giới trong tương lai, chứ không phải mức sàn.
Dù vậy, một vài luận điểm cũng cho rằng mức giá trong thời kỳ OPEC độc quyền (50-120 USD) sẽ được tái lập khi dầu chạm đáy 50 USD. Các thành viên OPEC đặc biệt chú trọng việc ngăn chặn trạng thái giá cạnh tranh của thị trường và luôn tìm cách lấy lại quyền thống trị. Dù việc thao túng giá dầu sẽ khó khăn hơn khi các hãng dầu mỏ Mỹ gia tăng thị phần, OPEC vẫn có thể sẽ áp các quy định đặt giá nếu hất cẳng được nhiều công ty Mỹ ra khỏi thị trường trong năm tới. Nỗ lực của OPEC có thể được hỗ trợ bởi sự gia tăng hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng do tác động vĩ mô của giá dầu thấp lên tăng trưởng toàn cầu.
Thanh Tuyền