Giá gạo xuất tiểu ngạch cao hơn 30-50 USD/tấn so với xuất chính ngạch. Nếu mua đúng, mua đủ theo quy trình tạm trữ thì doanh nghiệp nào cũng lỗ, vì hầu hết các doanh nghiệp xuất theo chính ngạch.
Ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc sở Công thương TP Cần Thơ cho biết Cần Thơ dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn gạo tại cuộc làm việc giữa UBND TP Cần thơ và 25 doanh nghiệp và các chi nhánh doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố .
Theo ông Toại, tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2013 ít thuận lợi so với năm 2012 do gạo Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh về giá từ thị trường gạo cấp thấp của Ấn Độ, Pakistan, Mynamar, thị trường gạo cấp cao phải cạnh tranh với Thái Lan. Các doanh nghiệp phải giảm giá để giải phóng hàng tồn kho. Nhờ làm tốt việc mua tạm trữ... các doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 900.000 tấn gạo các loại, đạt doanh thu gần 500 triệu USD.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang thực hiện hợp đồng Philippines (chỉ tiêu gần 50.000 tấn). “Đến thời điểm này, tiến độ giao hàng đạt 60% chỉ tiêu phân bổ, các doanh nghiệp sẽ giao tiếp vào tháng 2/2014. Nguồn lúa, gạo nguyên liệu tại Cần Thơ không còn nhiều, phải mua thêm nguồn lúa từ Đồng Tháp, Bạc Liêu… và cả Campuchia” Ông Toại nói.
Ông Trần Thanh Vân, phó tổng giám đốc công ty Gentraco phản ánh, giá xuất tiểu ngạch lại cao hơn 30-50 USD/tấn so với xuất chính ngạch. Nếu mua đúng, mua đủ theo quy trình tạm trữ thì doanh nghiệp nào cũng lỗ, vì hầu hết các doanh nghiệp xuất theo chính ngạch. Ông Vân đề nghị nếu chính quyền hỗ trợ thì doanh nghiệp mong chỉ được hỗ trợ về lãi suất để đầu tư kho chứa, hệ thống sấy.
Ông Toại cho biết bộ Công thương không có chủ trương chặn việc xuất tiểu ngạch nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Các doanh nghiệp xuất chính ngạch muốn cạnh tranh được thì phải nâng cao giá trị sản phẩm của doanh nghiệp. Đó mới là điều quan trọng.
Theo Ngọc Bích
Theo: www.cafef.vn