Cập nhật lúc:
4/26/2012 10:39:03 PM
Hơn tuần qua, thị trường xôn xao vì thông tin sữa sẽ vào một đợt tăng giá mới khiến nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những phụ huynh có con nhỏ hoang mang. Khảo sát thực tế cũng cho thấy, giá nhiều loại sữa của Nestle, Meiji, Angelac, Priso Gold... đã tăng từ 7-10%. Tuy nhiên, lý do tăng giá lần này không phải do nhà sản xuất mà do khâu... phân phối!
Theo nhận định của đại diện một số hãng sữa, có thể giá sữa biến động vào thời điểm này là do đại lý tự ý tăng, do bị nhà phân phối cắt bớt chiết khấu. Bởi trên thực tế, các nhà sản xuất sữa đều khẳng định không hế tăng giá trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc Đối ngoại Công ty FrieslandCampina, cho biết, trong hai tháng qua, Công ty không hề điều chỉnh giá bán và hiện cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán trong thời gian tới vì muốn chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và hưởng ứng chủ trương bình ổn giá của Chính phủ.
Vì thế, thông tin Công ty tăng 7-8% giá bán các loại sữa là sai sự thật. Đại diện Công ty Dược phẩm 3A, đơn vị nhập khẩu các loại sữa Abbott cũng cho biết các loại sữa của họ chưa tăng giá.
Các nhà sản xuất sữa trong nước như Vinamilk, Nutifood... đều cho biết không tăng giá bán. Thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho thấy, hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá sữa. Việc tăng giá sữa có thể là do các đại lý tự điều chỉnh.
Lý giải của một nhà kinh doanh sữa cho rằng, không có lý do gì để nhà sản xuất và phân phối trong thời điểm này. “Nguyên liệu không tăng giá, tỷ giá không biến động, nhiên liệu sản xuất không tăng... thì việc gì các nhà sản xuất lại tăng giá”, vị này nói.
Cũng theo vị này, sỡ dĩ giá một số loại sữa trên thị trường tăng là do người kinh doanh đã lợi dụng tình trạng “hút hàng” của một số loại sữa để tự ý nâng giá. Ngoài ra, do nhiều công ty đã cắt bới chi phí hoa hồng nên nhà bán lẻ tăng giá bán để tăng thêm lợi nhuận.
Việc tăng giá sữa từ khâu phân phối là một thực tế mà ngay cả nhà sản xuất và các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thừa nhận, Bộ Tài chính chỉ quản lý được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa và nhập khẩu mặt hàng này còn các đại lý cấp 2, các cửa hàng bán lẻ thuộc phạm vi quản lý của cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường ở địa phương.
Chính hình thức mua đứt bán đoạn, qua nhiều tầng nấc trung gian khiến việc quản lý trở nên khó khăn. Hiện nay, chỉ riêng đại lý cấp 2 đã có đến 3.000 cơ sở, còn đại lý cấp 4, cấp 5 thì lên tới 10.000 với hàng trăm nhãn sữa.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)