Trong số các nước xuất khẩu gạo chủ chốt ở châu Á, Thái Lan là nước duy nhất có khả năng xuất khẩu với khối lượng lớn và giá giảm thêm nữa trong năm nay, bởi lượng dự trữ của nước này lên tới khoảng 13-15 triệu tấn quy gạo, chưa kể khoảng 7 triệu tấn nữa đang được bổ sung ra thị trường.
Ấn Độ cũng có lượng dự trữ khổng lồ, song quốc gia đông dân này luôn phải cảnh giác đề phòng thiên tai nên có thể giảm xuất khẩu bất cứ lúc nào nếu thấy nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Việt Nam có lượng cung lúa gạo dồi dào, song chỉ tập trung vào những giai đoạn thu hoạch và cơ hội giảm giá mạnh không nhiều bởi sự can thiệp của chính phủ.
Như vậy, người điều khiển thị trường gạo thế giới năm nay dự báo sẽ là Thái Lan, với xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sẽ đạt 8,5 triệu tấn.
Thực tế là trong 2 tháng đầu năm 2014 Thái Lan đã giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 1,5 triệu tấn (Theo báo cáo của Công ty CP Intertrade – Thái Lan), trong khi Ấn Độ và Việt Nam – hai nước xuất khẩu nhất nhì thế giới năm 2013 – chỉ xuất khẩu khoảng 800.000 đến 1 triệu tấn.
Chỉ trong vòng một tuần qua, giá gạo 5% tấm của Thái đã giảm khoảng 6%, từ 410 USD/tấn xuống 390 USD/tấn, ngang bằng với gạo Việt Nam. Tính từ đầu năm tới nay, giá gạo Thái đã giảm khoảng 12%.
Giá lúa tại Thái Lan cũng giảm mạnh kể từ đầu tháng 3, hiện chỉ khoảng 5.500 baht (170 USD)/tấn. Trong khi đó, giá lúa tại Việt Nam hiện khoảng 5.100 - 5.450 đồng/kg (khoảng 260 USD/tấn).
Cuộc đấu giá mua gạo của Philippines vào ngày 14/4 tới châm ngòi cho cuộc chạy đua xuất khẩu gạo ngay trong khu vực Đông Nam Á.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) dự kiến hôm 15/4 sẽ mở thầu nhập khẩu 800.000 tấn gạo, nhằm bổ sung vào kho dự trữ trước mùa giáp hạt trong nửa cuối năm nay. Gạo thắng thầu sẽ được giao vào khoảng tháng 5 – tháng 7. Việc Philippines mua gạo với khối lượng lớn vào lúc thị trường thế giới đang vắng khách này được cho là cơ hội vàng cho các nước xuất khẩu gạo.
Ngay sau có thông báo này từ phía Philippines, Thái Lan đã tỏ ra lo ngại Việt Nam sẽ giảm giá chào bán gạo trắng 25% tấm xuống khoảng 310-320 USD/tấn (từ mức 350 USD/tấn hiện nay – ngang với giá gạo cùng loại của Thái Lan) để giành được hợp đồng. Philippine thường mua loại gạo 25% tấm.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), Chukiat Opaswong viện dẫn các cơ sở để ông lo ngại bao gồm Philippine là khách hàng truyền thống của Việt Nam, và Việt Nam mới đây đã hạ giá sàn gạo 25% tấm xuống 365 USD/tấn từ mức 375 USD/tấn trước đó.
Bên cạnh Thái Lan và Việt Nam, Campuchia cũng sẽ là đối thủ “nặng ký” trong việc giành hợp đồng với Philippine này.
Gạo Campuchia có lợi thế cả về giá cả và chất lượng nên đang tràn sang các nước láng giềng, kể cả Thái Lan và Việt Nam.
Trên thị trường quốc tế, gạo Campuchia đang dần khẳng định được vị thế khi hai năm liền 2012 và 2013 liên tiếp được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới.
Từ thị trường châu Âu, Campuchia đang vươn ra xuất khẩu gạo sang các thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Tháng trước, công ty Amru Rice Campodia của Campuchia đã ký kết một thỏa thuận xuất khẩu gạo với Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc và mong muốn xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc.
Trong khi các nước xuất khẩu gạo lớn vẫn mải mê với những mục tiêu duy trì và/hoặc giành được ngôi vị nhất nhì về xuất khẩu gạo, thì gạo Campuchia đang lặng lẽ chiếm lĩnh nhiều thị trường khó tính bởi chất lượng thơm ngon.
Chính vì vậy, ngay cả Thái Lan sở hữu loại gạo Hom Mali nổi tiếng thế giới cũng phải giật mình bởi Campuchia đang đe dọa cạnh tranh với họ ngay cả trên thị trường gạo Hom Mali vốn rất quan trọng trên thị trường gạo xuất khẩu này.
Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, sẽ tạo cơ hội cho tất cả các nền kinh tế trong khu vực được tự do mậu dịch hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ năng. Các nhà xuất khẩu gạo Thái lo ngại AEC sẽ khiến thị trường gạo Hom Mali của họ phải cạnh tranh khó khăn với gạo Hương Nhài Campuchia, thậm chí ngay trên sân nhà.
Hiện gạo Hương nhài Campuchia (phka malis) có giá khoảng 890 USD/tấn, thấp hơn khoảng 6% so với gạo Hommali Thái Lan (950 USD/tấn). Gạo Hương Nhài Việt Nam giá thậm chí còn rẻ hơn, khoảng 505 USD/tấn.
Ông Chukiat Opaswong cho biết gạo Thái Lan, nhất là loại Hom Mali, đang mất dần thị trường chủ yếu bởi chương trình can thiệp của chính phủ Thái áp dụng suốt 3 năm qua, bởi giá gạo trên thị trường nội địa tăng cao giả tạo khiến nông dân Thái Lan pha trộn gạo thơm Pathum giá rẻ với gạo Hommali giá đắt hơn để bán trên thị trường với tên gọi Hommali. Điều này khiến người tiêu dùng xa lánh dần gạo Hom Mali Thái Lan.
Ngành lúa gạo Campuchia hiện chỉ còn yếu ở khâu chế biến, nhưng điều này không khó giải quyết khi thị trường gạo đầy hứa hẹn của Campuchia đã thu hút nhiều công ty nước ngoài tới đầu tư và xây dựng nhiều nhà máy xay xát gạo lớn tại đây. Nhiều nhà xay xát gạo đang dần chuyển hướng sang xây dựng cơ sở chế biến ở Campuchia để tận dụng lợi thế chi phí sản xuất rẻ, trong đó có Tập đoàn Taiwa Seiki của Nhật Bản, và Asia Golden Rice và CP Intertrade của Thái Lan.
Hiện nay, Campuchia có khả năng sản xuất khoảng 9-10 tấn lúa/năm tương đương với 5 triệu tấn gạo chất lượng cao, nhưng chỉ xuất khẩu 370.000 tấn gạo trong năm 2013. Với dân số khoảng 15 triệu người, tổng mức tiêu thụ gạo của Campuchia ước đạt 2,1 triệu tấn/năm. Mục tiêu của họ là xuất khẩu 1 triệu tấn vào năm 2015.
Vân Chi