Sau khi một số kênh truyền hình, báo chí phía Đài Loan (Trung Quốc) thông tin chè Việt Nam trồng trên vùng đất nhiễm dioxin, chính quyền sở tại đã ách các lô hàng lại tại cảng, không cho thông quan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, hiện có 70 container chè cao cấp của Việt Nam mà chủ yếu là của các doanh nghiệp ở Lâm Đồng đang bị Đài Loan ách tại cảng, không cho thông quan. Nguyên nhân là từ cuối tháng 9/2014, đã có 7 kênh truyền hình, 4 tờ báo và một trang web tại Đài Loan thông tin chè của Việt Nam được trồng tại những vùng đất bị nhiễm dioxin.
|
Tất cả những vùng trồng chè ở Lâm Đồng đều được quy hoạch và được các cơ quan chuyên môn khảo sát đánh giá về điều kiện thổ nhưỡng, tác động môi trường. Ảnh: Trịnh Chu
|
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh. Theo ông Minh, ở Đài Loan cũng có rất nhiều doanh nghiệp trồng chè, nhưng chè Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn nên dẫn đến xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt để người tiêu dùng nơi đây tẩy chay chè nhập khẩu từ Việt Nam.
Việc Đài Loan không cho chè nhập khẩu từ Việt Nam thông quan đang gây khó khăn lớn về tài chính cho các doanh nghiệp trồng và xuất khẩu chè ở Lâm Đồng. Tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc họp chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp cùng nhau để có những căn cứ trả lời phía Đài Loan chè của Lâm Đồng được trồng tại những vùng đất hoàn toàn không bị nhiễm dioxin.
Mới đây, Hiệp hội thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng và Văn phòng Văn hóa - Kinh tế Đài Bắc tại TP HCM cũng đã làm việc với Tỉnh và yêu cầu sớm đưa ra những căn cứ chứng minh chè Lâm Đồng không trồng tại những vùng đất bị nhiễm dioxin. Đồng thời đề nghị Tỉnh cử đại diện tới Đài Loan vào ngày 24/11 để dự họp báo do Hiệp hội thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng và Văn phòng Văn hóa - Kinh tế Đài Bắc tại TP HCM tổ chức.
Hiện nay, Lâm Đồng có 3.000 ha trồng giống chè ô long cao cấp và hàng chục nghìn hecta chè các loại. Tất cả những vùng trồng chè đều được quy hoạch và được các cơ quan chuyên môn khảo sát đánh giá về điều kiện thổ nhưỡng và tác động môi trường. Rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan cũng đang đầu tư trồng chè ở Lâm Đồng, tập trung chủ yếu ở Bảo Lộc, Di Linh và TP Đà Lạt
Quốc Dũng