So với cùng kỳ, con số doanh nghiệp thành lập mới tăng 73%.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 30/8. Theo vị này, trong 50 ngày đầu tiên kể từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực (1/7/2015), cả nước đã có thêm hơn 13.000 đơn vị đăng ký thành lập mới, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận thời gian đầu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải chờ làm thủ tục vì các phòng đăng ký kinh doanh quá tải, khối lượng công việc gấp 3-4 lần trước đó, song đến nay đã được khắc phục. Qua điều tra của Bộ, doanh nghiệp hiện chỉ mất khoảng 2,6 ngày để đăng ký thành công, chưa đến 3 ngày theo quy định.
"Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh có thể do kinh tế phục hồi, môi trường vĩ mô ổn định, thủ tục tham gia thị trường minh bạch, ổn định hơn", ông nhận định.
Liên quan đến Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ trưởng Vinh thông tin văn bản này sẽ được ban hành vào tháng 9. Theo ông, Nghị định hướng dẫn ban hành chậm bởi nhiều lý do, trong đó việc lọc ra những ngành nghề bị cấm, kinh doanh có điều kiện đã là công cuộc rà soát khổng lồ.
"Nếu có những ngành nghề bỏ lọt, cho kinh doanh thoải mái sẽ gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Bộ đã phải làm với 16 bộ ngành liên quan, quá trình làm việc rất căng thẳng. Cách đây 3 tháng, Nghị định đã được trình lên", lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Hai Luật mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015. Tuy nhiên, việc chưa có Nghị định hướng dẫn đã gây ra không ít vướng mắc cho hoạt động đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn tạm thời. Ngay trong thủ tục nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài, dù đã được "bật đèn xanh" với Nghị định 60 và Thông tư hướng dẫn 123, song nhà đầu tư chưa thể chắc chắn những doanh nghiệp nào được nới room bởi thiếu văn bản chi tiết liên quan đến ngành nghề có điều kiện, hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề con dấu, Bộ trưởng Vinh cho biết tuy Luật quy định doanh nghiệp được tự quyết, song việc bỏ con dấu phải có lộ trình vì hiện nay vẫn có những văn bản yêu cầu con dấu để chứng thực, thêm vào đó doanh nghiệp, khách hàng cũng cần có thời gian làm quen với việc không có con dấu trong giao dịch.
Huyền Thư