Sụt giảm ở nhóm hàng chủ lực
Thông tin từ Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tại địa phương, nhất là với những tỉnh có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, thủy sản, các loại nông sản đều tăng rất ít hoặc không đảm bảo kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Minh Toại- Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ - cho biết: Kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2014 của Cần Thơ giảm hơn 7% so với cùng kỳ và mới đạt hơn 15% kế hoạch năm.
Hai mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản đều giảm kim ngạch hơn 20% so với cùng kỳ và đạt hơn 10% so với kế hoạch, nhiều doanh nghiệp đạt giá trị xuất khẩu không cao, thậm chí bị lỗ. Tương tự như Cần Thơ, ông Huỳnh Văn Gành- Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang - cho biết xuất khẩu thủy sản và gạo của địa phương này trong quý I đã sụt giảm đáng kể, riêng XK gạo kim ngạch giảm tới 42%.
Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương:
Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, Cục sẽ tăng cường công tác thông tin đối với mặt hàng, ngành hàng quan tâm tới các doanh nghiệp để góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
|
Giá và thị trường là hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay. Ông Nguyễn Tiến Vỵ -Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Bộ Công Thương - cho biết, xuất khẩu quý I năm nay của nhóm hàng này ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói là giá bình quân xuất khẩu của hầu hết mặt hàng nhóm nông sản giảm, thậm chí có mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, giá bình quân xuất khẩu của các mặt hàng gạo, cà phê, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn giảm từ 9- 24,8% tùy loại; lượng hàng xuất khẩu như chè, cao su, sắn cũng giảm mạnh. Điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản giảm khoảng 160 triệu USD trong 3 tháng đầu năm.
Tích cực tìm giải pháp hỗ trợ xuất khẩu
Đã có những tín hiệu lạc quan hơn đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản trong quý II khi mà các doanh nghiệp và đơn vị chức năng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch cho nhóm hàng này. Ông Toại cho hay, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo và thủy sản trong tháng 4 và quý II.
Tuy nhiên, ông Toại cũng cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn “mù” thông tin về hoạt động xuất khẩu, thị trường nào thuận lợi và khó khăn. “Đề nghị Bộ chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu có trang thông tin thị trường tương đối nhạy bén và nóng hơn để phục vụ xuất khẩu hàng nông sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông Toại kiến nghị.
Ông Châu Minh Nguyện- Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai - cho biết, xuất khẩu của tỉnh trong quý I tăng 4,2% so với cùng kỳ, đạt 2,48 tỷ USD, tuy nhiên mức tăng này chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì thế, giải pháp được tỉnh Đồng Nai đưa ra là đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin và mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh việc tổ chức hội nghị về lĩnh vực xuất khẩu để giúp doanh nghiệp tìm kiếm phát triển thị trường, tỉnh còn thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng cũng như đưa ra những hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm nông lâm sản như gạo, thủy sản, bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương- cho hay, đã có 7 bản thỏa thuận về xuất khẩu gạo với các quốc gia với tổng lượng gạo khoảng 4,2 triệu tấn; Bộ cũng đang xúc tiến ký đàm phán với Malaixia và thúc đẩy thỏa thuận với Trung Quốc để tăng cường xuất khẩu gạo.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ trong Tổ điều hành gạo để có những biện pháp thiết thực nhằm củng cố duy trì các thị trường truyền thống như Philippin, Malaixia, Indonexia cũng như mở những thị trường mới như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc…Với Chỉ thị 08 nhằm tăng cường công tác thông tin thị trường và các hoạt động xuất khẩu gạo vừa được Bộ Công Thương ban hành đầu tháng 4, sẽ góp phần thúc đẩy tăng xuất khẩu gạo nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung.
Theo Duy Minh