Chủ tịch KADI Bachrul Chairi nhấn mạnh rằng thép tấm cán nóng nhập khẩu đang được bán tại Inđdonesia với giá thấp hơn chi phí sản xuất, gây tổn thương cho các nhà sản xuất trong nước, nên việc duy trì biện pháp thuế trừng phạt nói trên là cần thiết để ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, vùng lãnh thổ Đài Loan và Thái Lan.
Theo ông Bachrul Chairi, ngoài 5 nước và vùng lãnh thổ nói trên, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng nếu Bộ thương mại Indonesia quyết định kéo dài thời hạn áp đặt thuế chống bán phá thép.
Ông Bachrul Chairi cho biết Inđônêxia áp thuế chống bán phá giá đối với thép tấm cán nóng lần đầu tiên vào ngày 1/3/2008, và qua theo dõi của KADI, trong 5 năm qua cả 4 nước và vùng lãnh thổ nói trên đều tỏ ra không hợp tác với Indonesia trong vấn đề này.
Mức thuế chống bán phá giá đối với thép tấm cán nóng hiện đang được áp dụng là 25,18-42,58% đối với 3 công ty Trung Quốc, 12,95-56,51% với 3 công ty Ấn Độ, 5,58-49,47% với 4 công ty Nga, 4,24-37,02% với 3 công ty Đài Loan, và 7,52-27,44% với 4 công ty Thái Lan.
Indonesia, cũng như nhiều quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã áp đặt thuế chống bán phá giá đối với những sản phẩm nhập ngoại được bán trên thị trường nội địa với mức giá được coi là thấp hơn giá trị hợp lý.
Trong một động thái liên quan, mới đây KADI cũng đã đề nghị Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Indonesia áp thuế chống bán phá giá tới 74% đối với thép tấm cán nguội nhập ngoại để bảo vệ ngành công nghiệp địa phương./.