Quan điểm thận trọng của FED khi tăng lãi suất khiến giá tăng hơn 4 USD lên 1.171 USD hôm qua, bất chấp đôla Mỹ hồi phục.
Sáng nay, giá ban đầu tăng nhẹ lên 1.172 USD, sau đó lại xuống 1.169 USD lúc 8h (giờ Hà Nội), tương đương 30,31 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí, gia công). Thị trường trong nước hôm qua đóng cửa quanh 35,23-35,33 triệu đồng.
Trong phiên, có lúc giá giao ngay chạm đỉnh 1.177 USD một ounce, khi đôla Mỹ lao dốc sau tín hiệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất chậm hơn và có quan điểm thận trọng hơn về kinh tế Mỹ.
|
Giá vàng thế giới đã tăng 2 phiên liên tiếp.
|
Giá sau đó giảm nhẹ khi USD hồi phục so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới. "Đồng đôla mạnh sẽ là yếu tố lớn gây sức ép lên kim loại quý", Georgette Boele – nhà phân tích tại ABN Amro cho biết. Giá các hợp đồng giao tháng 4 tăng 17,7 USD lên 1.169 USD một ounce.
Dù trong báo cáo, FED đã bỏ cụm "kiên nhẫn" khi nói về khả năng tăng lãi suất, cơ quan này vẫn thận trọng khi nhắc tới đà phục hồi kinh tế. Họ còn bày tỏ lo ngại về đồng đôla mạnh.
Tuần này, giá đã chạm đáy 4 tháng do kỳ vọng lãi suất tăng sẽ khiến nhu cầu kim loại quý đi xuống. Trên thị trường đầu tư, dự trữ tại SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã tăng 0,24% lên 749,7 tấn hôm thứ Tư – đợt mua vào đầu tiên từ ngày 20/2.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm qua cũng công bố chi tiết kế hoạch cấp phép nhập khẩu và xuất khẩu vàng cho nhiều tổ chức hơn. Dù vậy, họ cho biết vẫn có thể áp đặt nhiều biện pháp hạn chế thương mại khi cần thiết. Thị trường tiêu thụ lớn nhì thế giới mở cửa sẽ hỗ trợ đáng kể cho nhu cầu vàng.
Dầu thô hôm qua tiếp tục đi xuống do đồng đôla mạnh và tuyên bố của Kuwait rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không còn lựa chọn nào khác ngoài giữ nguyên sản lượng để duy trì thị phần. Giá mỗi thùng WTI giảm 0,7 USD xuống 43,96 USD. Trong khi đó, dầu Brent giảm 1,48 USD xuống 54,43 USD.
Hà Thu