Sau thời gian dài học hỏi, ông Chánh ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) lên vùng cao mua con giống heo rừng hoang dã mang về lai với heo cỏ, nhân giống thành công bán ra thị trường thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tết Giáp Ngọ cận kề cũng là thời gian gia đình ông Nguyễn Trung Chánh tất bật chuyển hàng chục con heo rừng lai cho các nhà hàng, người dân chuẩn bị tất niên. Mỗi con heo rừng lai nặng chừng 20 kg, gia đình ông bán với giá 2,4 triệu đồng, đắt gấp 3 lần so với thịt heo thường.
Ông Chánh đang cho heo rừng giống hoang dã ăn cỏ tại trang trại của gia đình.Ảnh:Trí Tín.
|
Ông Chánh cho biết cùng khoảng thời gian 6 tháng nếu nuôi heo rừng lai với trọng lượng 20 kg thì bán thu lãi gấp 3 lần so với heo nhà nặng 60 kg. Chi phí mua thức ăn cám công nghiệp, văcxin cho heo nhà chiếm ba phần tư trong tổng doanh thu sau khi bán ra thị trường. Nuôi heo rừng lai chi phí tốn kém nhất là mua con giống, mỗi con khoảng 10 đến 15 triệu đồng. Chi phí đầu tư chuồng trại khoảng 30 triệu đồng, chỉ cần đảm bảo hợp vệ sinh, đủ ấm gắn với khoảng sân vườn rộng rãi và nguồn thực ăn tự nhiên (rau, củ, quả) mỗi ngày.
Heo rừng là đặc sản tiêu thụ mạnh nhất vào dịp tết. Nhiều người quan niệm ăn thịt heo rừng vào đầu năm mới sẽ mang lại nhiều may mắn nên nuôi không sợ khó khăn về đầu ra. Từ vốn đầu tư ban đầu 40 triệu đồng, đến nay ông sở hữu trang trại gồm 10 con heo rừng giống hoang dã khỏe mạnh, 5 heo mẹ cùng nhiều đàn heo sữa trị giá gần 400 triệu đồng. Riêng năm 2013, gia đình ông lai giống, tạo đàn bán khoảng 100 heo rừng lai ra thị ra thị trường doanh thu 240 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng.
Năm 2005, ông Chánh tình cờ xem chương trình khuyến nông trên truyền hình giới thiệu về mô hình trang trại nuôi heo rừng lai mang lại hiệu quả kinh tế khá cao khiến cả hai vợ chồng ngỡ ngàng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, hai vợ chồng quyết định vay mượn tiền từ người thân cùng đồng vốn dành dụm được đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm các chủ trang trại về cách nhân giống, làm chuồng trại, nguồn thức ăn sao cho phù hợp.
Hiện tại trang trại chăn nuôi của ông Chánh có đến 10 con heo rừng giống hoang dã đảm bảo nguồn giống tại chỗ để nhân rộng đàn heo rừng lai cung ứng cho nhu cầu thị trường.Ảnh:Trí Tín.
|
"Thời gian đầu nghèo khó, vốn đầu tư hạn hẹp, gia đình tôi đầu tư khoảng 40 triệu đồng mua 4 con heo rừng giống ở Củ Chi (TP HCM) và huyện vùng cao Sơn Hà. Do chưa quen môi trường nuôi nhốt, nhiều con heo rừng giống hoang dã có giá hàng chục triệu đồng sau vài ngày mua về ngã lăn chết sạch khiến hai vợ chồng lo lắng mất ăn, mất ngủ", ông Chánh bộc bạch.
Không thể bỏ cuộc giữa chừng, gia đình ông Chánh tiếp tục vay mượn bạn bè, người thân lặn lội về huyện vùng cao Sơn Hà mua lại con giống, học hỏi thêm kỹ thuật về cải tiến lại chuồng trại từng bước nhân rộng đàn heo rừng lai thành công. Ông còn nhớ như in, sau suốt hai năm chật vật, đến đầu năm 2007, lứa heo rừng lai nhân giống thành công đầu tiên ra đời (4 cái, 2 đực) mà cả nhà mừng vui khôn xiết. Sau đó, từng đàn heo rừng lai nối tiếp nhau ra đời ở trang trại chăn nuôi của anh nông dân này.
Theo ông Chánh, heo rừng lai có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh tuy nhiên phải tiêm phòng, tẩy giun sán định kỳ. Chuồng trại thông thoáng, đón được ánh nắng buổi sáng, không bị hắt nắng buổi chiều, tránh được mưa hắt từ phía tây và gió bấc lùa vào mùa rét. Lúc heo sinh nở làm ổ úm, có đèn để sưởi ấm khi nhiệt độ môi trường thấp. Thức ăn cho heo rừng lai dễ tìm kiếm trong tự nhiên như lục bình, mía cây, bẹ chuối, thân cây ngô non, rau muống, bèo tây, các loại cỏ, các loại quả xanh, thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả, mầm cây..), muối khoáng (tro bếp, đất sét…).
Heo rừng hoang dã bên đàn con đông đúc ở trang trại chăn nuôi của gia đình ông Chánh.Ảnh:Trí Tín.
|
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đỗ Văn Chung, Phó phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết, vài năm gần đây nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã lai giống thành công giữa heo rừng hoang dã với heo cỏ thả rông phát triển thành trang trại chăn nuôi qui mô. Trang trại nuôi heo rừng lai của gia đình ông Chánh ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa là điển hình của nông dân thời nay năng động, dám nghĩ, dám làm với quyết tâm vươn lên làm giàu từ đồng đất quê mình.
Ông Chung khuyến cáo, để mô hình chăn nuôi heo rừng lai đạt hiệu quả kinh tế cao, điều quan trọng nhất là lựa chọn, chủ động được con giống tốt, chuồng trại gắn với khu vườn rộng thoáng mát đảm bảo điều kiện nuôi "bán hoang dã" thả rông với nguồn thức ăn rau, củ quả tự nhiên.
Heo con một tuần tuổi cần chích bổ sung chất sắt. Một tháng tuổi thì tập heo con ăn bằng thức ăn tinh. Sau gần 2 tháng tuổi, heo con tách mẹ được đưa sang chuồng rộng gắn với sân vườn tạo điều kiện cho nó hoạt động thường xuyên.
Theo ông Chung, nhờ hấp thụ những chất bổ dưỡng từ nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt heo rừng lai nhiều nạc, mềm, rất ít mỡ, lớp da dày nhưng rất giòn, không cứng như thịt heo nhà. Thịt heo rừng lai thơm, hàm lượng cholerteron thấp, không chỉ người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng mà nhu cầu xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới cũng rất lớn.
Trí Tín