Nhân sự trong lĩnh vực bán lẻ năm tới có thể được tăng lương khoảng 14,5%, cao hơn 3% bình quân chung toàn thị trường.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Towers Watson, trong năm 2014, mức tăng lương thực tế dự kiến của ngành bán lẻ là 14,5%, cao hơn mức tăng chung của toàn thị trường 3%, trước khi tính đến yếu tố lạm phát. Kế tiếp là dược phẩm (12%), ngành hàng tiêu dùng (11,8%)… Lĩnh vực tài chính dịch vụ sẽ có mức tăng thấp nhất 10%.
Mức lương tổng giám đốc, quản lý điều hành, bán hàng, chuyên viên, kỹ thuật, công nhân… trong năm 2014 sẽ không có sự thay đổi so với năm 2013.
Ông Sambhav Rakyan, Giám đốc dịch vụ dữ liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Towers Watson cho biết, việc hoạch định ngân sách nhân sự và mức tăng lương của các công ty không có nhiều khác biệt so với năm ngoái. Quyết định mức tăng thực tế phụ thuộc vào khả năng tài chính của từng công ty.
Năm nay, mức lương cơ bản có sự chênh lệch giữa các khu vực. Người lao động TP HCM có mức lương cơ bản cao hơn 14,2% so với Hà Nội, chủ yếu thể hiện ở đội ngũ nhân sự cấp cao. Mức tăng lương của ngành tài chính dịch vụ, dược phẩm, sản xuất, bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ cao giảm từ 12,3% năm 2012 xuống 11,7% năm nay. Tỷ lệ nghỉ việc từ 12,3% năm 2012 còn 9% vào năm 2013.
Khảo sát lương và phúc lợi tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 trên toàn bộ các vị trí khác nhau tại hơn 321 doanh nghiệp từ TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng và các khu vực khác. Các đơn vị tham gia chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm hóa chất, năng lượng, dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ, truyền thông và dược phẩm.
Mai Phương