Bắc Hà không chỉ nổi tiếng với cây mận tam hoa ở khu vực trung tâm huyện, mà còn có nhiều loại mận khác có mẫu mã quả to, chất lượng thơm ngon…, đã trở lên nổi tiếng như mận hậu, Tả Van, Tả Hoàng Ly, trái thơm và mận tím được trồng nhiều ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông khu vực thượng huyện.
Mùa mận năm nay khác hẳn các vụ trước, do thời tiết nóng khô, nắng kéo dài nên không chỉ mận tam hoa, mà cả mận địa phương như mận Tả Van, Tả Hoàng Ly, trái thơm, mận hậu, mận tím chín sớm gần 1 tháng.
Thông thường vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 âm lịch là mùa thu hoạch mận địa phương, nhưng vụ này mận địa phương đã chín sớm, cho thu hoạch từ cuối tháng 5 âm lịch, tức cuối tháng 6 dương lịch…
Khu vực bến xe trung tâm huyện là điểm thu bán buôn mận địa phương. So với vụ thu hoạch năm ngoái, vụ này không khí mua, bán mận có vẻ không sôi động bằng, có lẽ là do mận địa phương mất mùa, năng suất, sản lượng thấp.
Khác với các năm trước, năm nay nhiều người dân trồng mận tại các xã Tả Văn Chư, Bản Phố, Lùng Cải đã chủ động đem mận ra chợ huyện bán trực tiếp, thu lợi nhuận cao hơn mà không phải thông qua khâu trung gian, không bị tư thương ép giá.
Anh Sùng Seo Ư, thôn Sừ Mừn Khang, xã Tả Văn Chư và chị Lý Thị, thôn Bản Phố 2 A, xã Bản Phố đều cho rằng, vụ thu hoạch mận địa phương này sớm hơn mọi năm gần 1 tháng do nắng nóng, thiếu nước, song bù lại quả mận to hơn, có mẫu mã đẹp hơn. Mọi năm gia đình bán tại vườn, năm nay mận ít nên gia đình hái mang ra chợ bán lẻ được giá cao, gấp 2-3 lần so với vụ trước.
Điển hình giá mận Hậu và Tả Hoàng Ly- loại mận ngon nhất, quả to hơn mận tam hoa, khi chín có màu xanh ngả vàng, ăn có mùi thơm, vị chua ngọt, mát, giá mua tại gốc từ 15- 17 ngàn đ/kg, tăng 7- 8 ngàn đ/kg, bán lẻ tại huyện từ 20- 25 ngàn đ/kg, tăng 7- 10 ngàn đ/kg so với năm 2013.Nối tiếp niềm vui mùa mận tam hoa vừa được mùa, được giá kết thúc cách đây hơn nửa tháng, vụ thu hoạch giống mận địa phương năm nay cũng được giá cao, ổn định.
Đặc biệt giá cao nhất là mận Tả Van, loại mận quả bé nhất trong số các loại mận, chỉ bé như quả mơ, khi chín có màu đỏ rực, phớt phấn trắng, bên trong ruột đỏ, có vị thơm, ăn giòn, ngọt pha lẫn vị chua tự nhiên, giá mua tại gốc từ 25-30 ngàn đ/kg, tăng 10- 15 ngàn đ/kg, bán lẻ tại huyện dao động từ 30- 60 ngàn đ/kg, tùy thuộc vào loại quả chọn và mận xô thông thường, tăng 15- 20 ngàn đ/kg.
Các giống mận địa phương ở Bắc Hà chỉ trồng được ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông ở khu vực thương huyện Bắc Hà, chủ yếu là xã Tả Văn Chư chiếm trên 40% sản lượng. Ngoài ra còn có ở các xã Hoàng Thu Phố, Bản Già, Lùng Cải, Lùng Phình…
Trước đây, diện tích mận địa phương lên đến gần 300 ha, do những năm gần đây khí hậu nóng dần lên, một số cây già cỗi đã chết, trong khi trồng cây mận địa phương rất khó, không phải chỗ nào cũng trồng được, nên diện tích mận địa phương suy giảm xuống còn hơn 50 ha. Huyện đã quan tâm đầu tư, vận động đồng bào Mông ở xã Tả Văn Chư, Lùng Cải trồng mới giống, hiện đã nâng diện tích lên gần 80 ha.
Hộ gia đình ông Sùng Seo Trư, trồng gần 100 cây mận, trong đó có trên 30 cây đang thu hoạch, tuy mất mùa song giá cao đã đem lại nguồn thu 2,5 triệu đồng cho gia đình ông Trư. Ông Trư khẳng định mận địa phương phù hợp với vùng cao Tả Văn Chư, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cây lương thực. Hiện gia đình ông đang chiết ghép chuẩn bị trồng mới 120 cây mận Tả Van.
Ông Sùng Seo Vảng, Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết: “Với hiệu quả kinh tế cao từ cây mận địa phương đem lại, thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2010- 2015, đến nay, xã Tả Văn Chư đã trồng mới 15 ha, nâng tổng diện tích lên 35 ha mận".
Theo Tráng Xuân Cường