Điều này liệu có tạo ra những nghịch lý "thừa vẫn nhập”?
Tại cuộc họp báo liên quan đến vấn đề phân hạn ngạch nhập khẩu muối, đường do Bộ Công thương tổ chức chiều qua (9-8), Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định: Theo cam kết với WTO, các mặt hàng như muối, đường, trứng gia cầm, thuốc lá là những sản phẩm thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký hạn ngạch nhập khẩu mỗi năm.
Nếu chúng ta không thực hiện, đồng nghĩa với việc chúng ta đã vi phạm cam kết WTO. Do vậy, việc không cấp hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm như trứng, thuốc lá, đặc biệt là đường, muối – trong thời gian tới là điều không thể.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Biên, tiến tới, sẽ không có chuyện cấp hạn ngạch nhập khẩu muối, đường… với số lượng lớn như thời gian qua nữa. Vài năm nữa, theo cam kết WTO, khi thuế suất chỉ còn 0% hoặc 5%, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nói trên sẽ khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ nước ngoài nhập vào.
Dường như câu chuyện nhập khẩu muối, đường vẫn chưa có hồi kết. Song, chúng ta cũng cần phải thừa nhận một thực tế rằng, muối do diêm dân sản xuất ra, số lượng thì nhiều nhưng chất lượng lại chưa đủ để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, hóa chất, y tế.
Còn đường, chúng ta vẫn phải cạnh tranh với đường nhập khẩu từ các nước (chủ yếu là Thái Lan qua đường tiểu ngạch). Do đó, việc chúng ta vẫn phải tiêu thụ đường, muối nhập khẩu là điều không thể tránh.
Song, thời gian qua, việc bảo hộ các sản phẩm nói trên, đặc biệt là mặt hàng đường, theo Hiệp hội Mía đường, đã và đang tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cần sử dụng nguyên liệu đường như các doanh nghiệp sản xuất bánh, kẹo, sữa, nước giải khát... Do đó, Hiệp hội Mía đường đã đề xuất phương án nên đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường thay vì cơ chế phân giao như hiện nay để tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Biên cho rằng, muối và đường là những mặt hàng có nhiều đối tượng sử dụng khác nhau. Chẳng hạn, đối với mặt hàng đường, hộ sản xuất sữa sẽ cần nhiều đường hơn hộ sản xuất nước giải khát.
Do vậy, nếu sử dụng phương thức đấu thầu, dễ gây nên tình trạng doanh nghiệp có nhu cầu ít nhưng nguồn tài chính cao sẽ trả giá cao hơn, còn những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đường nhiều, nhưng nguồn vốn ít sẽ phải trả giá thấp hơn.
Như vậy, vô hình trung, các hộ cần sử dụng lượng đường lớn lại không có cơ hội trúng thầu, các hộ sử dụng đường ít thì lại thừa mứa đường. Rõ ràng, vô tình việc đấu thầu lại đẩy đến mâu thuẫn về lợi ích. Do đó, Thứ trưởng Biên cho rằng, trước mắt, việc phân bổ hạn ngạch nhập khẩu theo cơ chế phân giao như thời gian vừa qua vẫn phát huy được tác dụng nhiều hơn là đấu thầu.
Trả lời câu hỏi của báo giới về tình trạng: Đường nhập lậu qua biên giới đang lấn át đường trong nước – tình trạng này không mới nhưng vẫn tồn tại hết năm này qua năm khác? Thứ trưởng Biên cho biết, tình trạng này đã và đang diễn ra không chỉ đối với mặt hàng đường mà các mặt hàng khác như thuốc lá, xăng dầu cũng "chung số phận”.
Bộ Công thương cũng đã đề nghị các tỉnh có đường biên giới cần tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh tại các cửa khẩu đường biên. Các bộ, ngành cũng sẽ cố gắng điều hành làm sao để hạn chế những chênh lệch về giá quá lớn – "miếng bánh ngon” khiến các đối tượng buôn lậu lâu nay vẫn thực hiện những hành vi phạm pháp để kiếm lời, gây nên nhiều bức xúc cho dư luận trong thời gian qua.
Theo hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm trứng, đường, muối mà Bộ Công thương vừa công bố, phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn muối công nghiệp cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.
Bộ cũng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 50.000 tấn đường tinh luyện và đường thô cho các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và 20.000 tấn đường thô cho thương nhân sản xuất đường để tinh luyện cung cấp phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Theo Minh Phương
Đại đoàn kết