Tín dụng ỳ ạch, thu nhập từ lãi vay giảm so với cùng kỳ nhưng sự ổn định của mảng kinh doanh ngoại tệ và khởi sắc của chứng khoán đã góp phần giúp các nhà băng tiếp tục kinh doanh có lãi trong quý III vừa qua.
Đến giữa tháng 11/2013, đã có 13 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3. Theo thống kê của VnExpress, tổng lợi nhuận sau thuế trong kỳ của 13 nhà băng nêu trên đạt hơn 6.704 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Trong đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có lãi trở lại sau khi lỗ hơn 520 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, có tới 9 trên tổng số 13 ngân hàng ghi nhận mức giảm lợi nhuận. Trong đó xét về tỷ lệ, Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) sụt mạnh nhất (88% so với cùng kỳ), chỉ đạt 82,3 tỷ đồng trước thuế. Nhà băng lãi ít nhất là Nam Việt (Navibank) với khoản thu 2,5 tỷ đồng trong quý. Lãi lớn nhất là Ngân hàng Công Thương (VietinBank), nhưng vẫn giảm gần 20% so với cùng kỳ xuống còn hơn 2.190 tỷ đồng.
Ngược lại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, đạt gần 1.140 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần cùng kỳ.
|
Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của các ngân hàng
(*): Riêng Techcombank là lợi nhuận trước thuế
|
Hoạt động chính là cho vay và nhận tiền gửi không còn đóng góp lớn vào bức tranh lợi nhuận ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm chỉ khoảng 7,81% (tính cả nợ đã được xử lý thông qua trích lập dự phòng và bán cho VAMC), bằng già nửa tốc độ tăng tiền gửi. Theo một chuyên gia về ngân hàng, mảng cho vay, vốn đem lại 70-80% thu nhập cho các ngân hàng đã "chìm nghỉm" trong quý III nay.
Tổng hợp kết quả kinh doanh của 13 ngân hàng cũng cho thấy, thu nhập lãi thuần từ cho vay - nhận tiền gửi trong quý III giảm 3% so cùng kỳ, còn hơn 19.200 tỷ đồng. "Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không mở rộng sản xuất nên chẳng cần vốn. Điều kiện vay vốn thắt chặt cũng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn. Chính những yếu tố đó khiến tín dụng tăng thấp, ảnh hưởng đến thu nhập từ hoạt động cho vay nói riêng và lợi nhuận của ngân hàng nói chung", chuyên gia này phân tích.
Ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) thừa nhận, lãi suất giảm, huy động không cho vay ra được đã ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng. Thu nhập từ cho vay trong quý III/2013 của Sacombank chỉ tăng 271 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi tiền trả lãi huy động tăng tới gần 400 tỷ đồng.
Trong bối cảnh này, chính mảng kinh doanh ngoại hối, vàng và chứng khoán đã góp phần tạo lợi nhuận cho ngân hàng, chủ yếu do tỷ giá, giá vàng tương đối ổn định từ đầu năm, thị trường chứng khoán cũng khởi sắc hơn. Số liệu từ 13 ngân hàng cho thấy thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, vàng trong quý III đạt hơn 670 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 704 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ kinh doanh chứng khoán cũng tăng tới 144%, đạt gần 450 tỷ đồng.
|
Đơn vị: tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất của các ngân hàng
|
ACB - một ngân hàng từng lỗ hơn 520 tỷ đồng trong quý III/2012 thì sang quý này đã có lãi trở lại, chủ yếu nhờ mảng kinh doanh vàng và ngoại hối (chuyển từ lỗ gần 1.145 tỷ đồng sang lãi hơn 10 tỷ đồng). Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc ACB cho biết, sau khi tất toán xong khoản vốn vàng với khách hàng, ngân hàng đã yên tâm kinh doanh. Trước đó, việc phải xử lý 15.500 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi vàng đã đè nặng lên hoạt động ngân hàng. "Trước đó nếu có lời thì cũng bị những khoản tất toán cho khách hàng át đi mất", ông nói.
Với mảng kinh doanh chứng khoán, ACB cũng lãi gần 165 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Toại, trước đây ngân hàng nắm một số chứng khoán của các ngân hàng, nay Chính phủ không cho sở hữu chéo nữa nên bán đi và có lời.
Tuy nhiên, cá biệt cũng có những trường hợp như Techcombank vẫn tiếp tục lỗ từ kinh doanh ngoại hối gần 120 tỷ đồng dù kinh doanh chứng khoán đã chuyển từ lỗ sang lãi 111 tỷ đồng. Điều này đã khiến ngân hàng nằm trong danh sách có lợi nhuận quý III giảm mạnh nhất theo khảo sát.
Tính chung 9 tháng đầu năm, dù đã ra sức tiết giảm các khoản chi phí nhưng lợi nhuận sau thuế của 12 tổ chức tín dụng (trừ BIDV) vẫn giảm 10% so với cùng kỳ, đạt gần 16.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, việc này đã được dự báo từ trước khi nền kinh tế chưa có những bước chuyển biến thực sự, mà ngân hàng là một tổ chức kinh tế nên chắc chắn bị ảnh hưởng.
Bước sang quý IV, thời điểm nhu cầu vốn trong nền kinh tế lên cao, vị chuyên gia trong ngành tài chính ngân hàng cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được cải thiện, phần nào kéo lại sự trì trệ trong những tháng đầu năm. "Tuy nhiên, cũng chỉ nên lạc quan trong sự cẩn trọng là bức tranh lợi nhuận cả năm khó có thể sáng sủa như mong đợi, nhiều ngân hàng có thể không đạt mục tiêu lợi nhuận và hưởng đến bức tranh toàn ngành", ông bày tỏ.
Phương Linh