Đây là một trong những thông tin đáng chú ý đươc chia sẻ trong buổi họp báo Diễn đàn M&A năm 2016 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 25/7. Theo đó, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đã khá sôi động, trong đó có không ít thương vụ lớn liên quan đến doanh nghiệp Thái Lan.
Năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới bắt đầu chạm mốc một tỷ USD thì đến năm 2015, tổng giá trị các thương vụ đã đạt kỷ lục 5,2 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã vượt con số 3 tỷ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong các lĩnh vực bán lẻ, hàng hóa, bất động sản…
|
Metro là một thương vụ M&A lớn cùa nhà đầu tư Thái gần đây.
|
Ông Đặng Xuân Minh - Tổng giám đốc Công ty AVM, Phó trưởng Ban tổ chức cho biết Thái Lan, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam. Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm... thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại. Còn Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường.
Đi đầu các thương vụ M&A năm qua là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, chiếm tới 38,46% tổng giá trị. Trong đó, quy mô của hai thương vụ M&A từ Thái Lan đã chiếm 24,8% giá trị năm 2015 và nửa đầu 2016. Điều này thể hiện xu hướng các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tiếp tục khai phá thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam. Gần đây các tập đoàn lớn của Thái Lanliên tục mua lại chuỗi siêu thị lớn như Metro, BigC... Singha cũng trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD…
"Có sự cạnh tranh rất lớn trong khối doanh nghiệp Thái Lan và Nhật Bản trong đầu tư vào Việt Nam vì lúc này thị trường Việt đã đủ trưởng thành, có độ hấp dẫn trong khi đó tại 2 nước này đã có dấu hiệu bão hòa", ông Minh nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Đặng Huy Đông cho biết đang có một làn sóng M&A của nhà đầu tư Thái vào Việt Nam nhằm mở rộng không gian thị trường cho các sản phẩm của Thái Lan. Trong khi dân số của Thái khoảng 50 triệu thì quy mô dân số Việt Nam gần gấp đôi - trên 90 triệu người.
Thực tế, Thái Lan khó cạnh tranh với Singapore hay Indonesia, còn với Việt Nam với lợi thế gần gũi về địa lý, tương đồng về thói quen sử dụng hàng hóa nên việc bán hàng dễ dàng hơn. Điều này đặt ra áp lực cho các nhà quản lý. Đồng thời, Thứ trưởng cho biết dòng vốn trong nước tham gia các thương vụ M&A còn khá nhỏ, chưa mang thêm được những giá trị mới cho doanh nghiệp Việt như quản trị, thị trường… Vì vậy, trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp và nhà quản lý phải phối hợp tốt hơn để dòng vốn trong nước có vị trí trên thị trường M&A.
Ông Lê Trọng Minh - Trưởng ban tổ chức cho biết Diễn đàn M&A năm 2016 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước sang một chu kỳ phát triển mới. Đây là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, với nhiều đổi mới trong chính sách về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Quá trình hội nhập quốc tế sẽ tạo ra những cơ hội, sân chơi mới để bùng nổ các các thương vụ.
Ông Minh cho biết, M&A phát triển lành mạnh có thể trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam chỉ xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì vị trí 20 về M&A là đáng chú ý đối với các nhà đầu tư. Xét về quốc gia các công ty mục tiêu, 219 thương vụ đã được công bố gần đây đều có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. |