Nhận đổi hộ cho khách VIP, người quen, nhiều nhân viên đành bấm bụng phá sổ tiết kiệm để ứng tiền trước dù biết khi nhận lại có thể sẽ không đủ do thất lạc, nhầm lẫn...
Làm trong ngành ngân hàng, như mọi năm, Minh (giao dịch viên tại một chi nhánh trên phố Xã Đàn) được cả gia đình lẫn họ hàng và bạn bè giao cho trọng trách đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết. Tuy nhiên, Minh than thở: "Ngoài đổi cho người quen, áp lực lớn nhất vẫn là đổi tiền cho khách VIP và một số người khác vì mục đích ngoại giao".
|
Nhiều nhân viên ngân hàng chóng mặt vì áp lực đổi tiền mới cho người quen dịp Tết. Ảnh: Nhật Minh.
|
Minh kể, nhiều khách hàng lớn vẫn gửi tiền hàng tỷ thậm chí cả chục tỷ đồng tại quầy của cô nên cuối năm họ nhờ đổi tiền mới để lì xì. Do đó, năm nào cô cũng phải để dành một khoản riêng vài chục triệu để ứng ra gửi bên kho quỹ trước chứ không nỡ thu của khách hàng. "Nhiều bạn của mình còn phải phá cả sổ tiết kiệm ra để ứng tiền", cô kể.
Áp lực đổi tiền không chỉ với giao dịch viên mà nhiều cán bộ tín dụng cũng phải đau đầu. Tuấn, chuyên viên tín dụng tại ngân hàng quốc doanh cho biết, với những doanh nghiệp lớn, đổi tiền giúp họ cũng là một trong những dịp để "đối ngoại".
Riêng năm nay, Ngân hàng Nhà nước không in mới tiền lẻ mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống nên anh và các đồng nghiệp cũng phải vất vả giải thích cho khách hàng. "Đa phần các khách hàng cũng thông cảm nhưng cũng có một vài trường hợp họ dỗi, doạ nếu không đổi được tiền lẻ để đi đền, chùa sẽ chuyển sang ngân hàng khác", nam nhân viên này cho biết.
"Mác" là dân ngân hàng nên nhiều nhân viên dù không đổi được trong cơ quan cũng phải tìm kế xoay xở ở ngân hàng bạn. "Mẹ chồng năm nào cũng giao chỉ tiêu đổi tiền mới, đủ mệnh giá cho cả họ làm mình choáng váng. Có năm vác cả bao tiền lẻ về như đi buôn bạc giả mà biết đâu mọi người lại tưởng mình mang về đổi dịch vụ bên ngoài", Hòa - nữ nhân viên một ngân hàng kể.
Chia sẻ với VnExpress.net, trưởng phòng kho quỹ chi nhánh một ngân hàng quy mô lớn nói: "Cứ đến Tết là cả phòng tôi sợ tiền kinh khủng. Ngoài khối lượng công việc kiểm đếm tiền mặt cung ứng cho khách rút tiền cuối năm lại phải chóng mặt vụ đổi tiền mới cho đối tác, rồi họ hàng, người nhà...".
Vị lãnh đạo này cũng kể, nhiều trường hợp ứng tiền trước để đổi cho mọi người nhưng về sau lượng tiền thu về không đủ do nhầm lẫn, thất lạc... nên cũng khá mệt mỏi.
Theo phản ánh của nhiều ngân hàng, dịp Tết Giáp Ngọ 2014, không riêng tiền lẻ, kể cả tiền mệnh giá lớn (từ 10.000 đến 50.000 đồng) đều ít hơn mọi năm, do đó áp lực cho dân ngân hàng càng lớn. Đại diện một chi nhánh của ngân hàng cổ phần tại quận Đống Đa cho hay, năm nay cả chi nhánh chỉ được phân bổ 100 triệu đồng (tất cả các mệnh giá). Số tiền này theo anh không đủ để làm công tác đối ngoại (đổi cho khách hàng thân quen, khách VIP) chứ chưa nói đến nhân viên.
Vì thế, cứ cuối ngày làm việc, Ngọc (nhân viên sales làm việc tại ngân hàng cổ phần) lại chạy về chi nhánh để nhặt nhạnh những tờ tiền mới nhưng không còn nguyên cọc, series đã qua sử dụng để đổi hộ mọi người. "Năm nay tiền mới cứng rất ít nên để đỡ mang tiếng với người nhà, đặc biệt là bên nhà chồng, mình vẫn tìm những tờ tiền kiểu này để đổi cho mọi người. Nhìn chung trông chúng vẫn khá mới và có thể lì xì được", Ngọc chia sẻ.
Thanh Thanh Lan
Theo: www.vnexpress.net