APA - cơ chế cho phép nộp thuế ở mức giá thỏa thuận trước với cơ quan thuế bất chấp lỗ lãi - đang được nhiều doanh nghiệp FDI chú ý và đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn nạn chuyển giá hiện nay.
Chuyển giá - việc dịch chuyển lợi nhuận từ quốc gia, vùng lãnh thổ có thuế suất cao đến nơi thuế suất thấp để đóng thuế ít hơn, hưởng lợi nhuận nhiều hơn - là chủ đề "nóng" tại Hội nghị quốc tế thường niên của Hiệp hội Tư vấn thuế châu Á - châu Đại dương vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo nhiều chuyên gia, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất cho Việt Nam là áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá (APA).
|
Nhiều chuyên gia cho rằng việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về giá (APA) có thể giúp ngăn chặn nạn chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Ảnh: Thanh Lan.
|
Cơ chế APA là thỏa thuận trước giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về cơ sở tính thuế, phương pháp xác định giá trong các giao dịch. Nói một cách khác, với APA, bất chấp doanh nghiệp lỗ, hay lãi, khoản thuế phải nộp của doanh nghiệp đều không đổi theo mức giá tính thuế được thỏa thuận từ trước đó.
Theo Luật Quản lý thuế sửa đổi, từ 1/7, cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá được phép áp dụng tại Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, mặc dù phương án sử dụng cơ chế APA vẫn còn mới mẻ nhưng đa phần được các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia hào hứng. Đây cũng là những đối tượng chính của hoạt động chuyển giá tại Việt Nam và nhiều nước hiện nay.
Bà Vũ Thị Thu Hương - Phó tổng giám đốc EY Việt Nam (Ersn & Young), thành viên Hội tư vấn Thuế Việt Nam - cho rằng việc áp dụng APA thể hiện Chính phủ Việt Nam đã tìm cách đơn giản hóa, giảm gánh nặng về thủ tục quản lý hành chính thuế. "Với Chính phủ, việc này sẽ giúp ổn định nguồn thu nhưng với doanh nghiệp, nó còn giúp tăng cường tuân thủ cũng như sự tự tin của doanh nghiệp. Quan trọng hơn là APA giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro liên quan như bị truy thu thuế, phạt hành chính gây ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận", bà Hương phân tích.
Đồng tình với đại diện từ EY Việt Nam, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam cũng cho biết, các doanh nghiệp mong được áp dụng cơ chế này vì với một mức giá đã được cơ quan thuế chấp nhận, doanh nghiệp có thể tính toán, chủ động điều chỉnh được mức lỗ lãi của mình.
Tuy nhiên, với năng lực hệ thống quản lý thuế hiện nay của Việt Nam, việc áp dụng cơ chế chống chuyển giá này vẫn còn nhiều thách thức. Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, khi đó, cơ quan thuế chấp nhân giá do doanh nghiệp đưa ra, như giá bán giá nhập khẩu... nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu ở Việt Nam rất hạn chế vì vẫn đang dần hoàn thiện.
|
Theo Phó tổng giám đốc Deloitte Bùi Ngọc Tuấn, nhiều doanh nghiệp FDI sẵn sàng thực hiện cơ chế chống chuyển giá APA. Ảnh: Thanh Lan.
|
Mức giá thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế có thể hiệu lực trong một thời gian nhất định, có thể là 3 năm. Nhưng theo đại diện của Deloitte, một trong những trở ngại là còn nhiều rủi ro khó đoán về giá trong thời gian này như lạm phát, biến động thị trường. "Khó nhất là năng lực phân tích thị trường để hoạch định mức giá thỏa thuận cho 2 bên đồng ý và khả thi", ông Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Thu Hương cho rằng, cơ chế APA cũng không thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp vì việc thực hiện tốn khá nhiều nguồn lực, thời gian, đặc biệt khi nguồn lực của ngành thuế đang có hạn và có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay. Vì vậy, đại diện của Hiệp hội tư vấn Thuế cho rằng cần thêm quy định APA giản lược để phù hợp. "Riêng với những giao dịch lớn, có khả năng chuyển nhiều lợi nhuận ra nước ngoài mới áp dụng cơ chế APA tiêu chuẩn hoặc phức tạp để quản lý", bà Hương nói.
Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp FDI được đưa vào tầm ngắm có dấu hiệu chuyển giá, tuy nhiên, cơ quan thuế hầu như không có phương pháp nào để "chỉ mặt" cũng như buộc tội họ. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân không chỉ do còn nhiều lỗ hổng mà bản thân các cơ quan quản lý của Việt Nam còn nhiều điểm mâu thuẫn. Ông Bùi Ngọc Tuấn dẫn ví dụ về sự "vênh" nhau giữa bên hải quan - cơ quan thu thuế xuất nhập khẩu và cơ quan thu thuế nội địa. "Bên hải quan luôn muốn giá tính thuế cao để thu nhiều nhưng nếu giá đầu vào cao thì khoản trừ chi phí tính thuế thu nhập nội địa sẽ lớn, khiến thuế nội địa thu vào không nhiều", ông Tuấn phân tích. Hiện hai cơ quan hải quan đã ngồi lai với nhau và tham khảo cơ chế của nước ngoài nhưng theo vẫn còn rất nhiều bất cập.
"Nếu cùng sản phẩm bán tại Việt Nam thì còn có cơ sở để nói doanh nghiệp chuyển giá nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp FDI xuất khẩu nên ở cả đầu vào và đầu ra doanh nghiệp đều liên quan đến thuế cửa khẩu mà ta không quản lý được. Liên quan đến thị trường nước ngoài nên cơ quan thuế khó có có lý do để bảo doanh nghiệp cố tình bán giá thấp để chuyển giá", đại diện Deloitte nói.
Chia sẻ dưới góc độ chuyên gia nước ngoài, ông Marcellus Wong, đại diện Viện Thuế Hong Kong (Trung Quốc) cũng nêu những trở ngại của APA. Theo ông, đây là quy trình rất tốn kém và mỗi thỏa thuận APA ở Hong Kong nhanh cũng phải mất tới 6, 7 tháng để giải quyết. Do đó, ông Marcellus Wong lưu ý Việt Nam cần lưu ý để thực hiện APA có độ chắc chắn cao như việc nắm rõ những thông tin của doanh nghiệp về mua bán sáp nhập, quy định về doanh nghiệp có cư trú hay không cư trú,...
Hội nghị về thuế của Hiệp hội tư vấn Thuế châu Á - châu Đại Dương (AOTC) lần đầu tiên được đăng cai tại Việt Nam bởi Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA). Đây là hội nghị thường niên và đã từng được tổ chức ở Trung Quốc (2008), Ấn Độ (2009), Australia (2010), Indonesia (2011) và Hàn Quốc (2012)
Thanh Thanh Lan