Cập nhật lúc:
2/27/2012 4:28:37 PM
Những trang rongbay.com,enbac, vatgia… đang là những trang mua bán online bị lợi dụng lừa đảo nhiều nhất. Nạn nhân của những vụ lừa đảo này đang lên tiếng và cảnh báo về những chiêu lừa đảo “ngoạn mục”.
Thương mại điện tử mới được phát triển ít năm gần đây tại Việt Nam. Cách giao dịch, mua bán trên mạng đang dần trở thành nhu cầu của nhiều người, bởi tính tiện lợi, tiếp kiệm thời gian, tiền bạc, rút ngắn khoảng cách vùng miền…Tuy nhiên cũng qua mua bán online, không ít người đã lừa đảo mà chỉ biết kêu trời. Nhiều chiêu lừa đảo tinh vi đến mức, đã cảnh giác cao độ rồi mà không qua khỏi kiếp nạn.
Trên một diễn đàn về Luật, P.L.B ở Lạng Sơn cho biết, tích cóp được hơn 2 triệu đồng, cuối tháng 1 vừa qua, B.P.L lên trang rao vặt rongbay.com để tìm mua điện thoại. Tìm được 1 địa chỉ có số thuê bao là 091xxxxxx địa chỉ tại Phường 9, Quận 3, TP. HCM, có nhu cầu bán chiếu điện thoại hiệu Nokia x7 chính hãng FPT với giá 2,5 triệu đồng.
Sau khi liên hệ với số điện thoại trên L được người đầu dây có tên là Tr (nữ) hướng dẫn gửi trước số tiền là 1,1 triệu đồng và Tr sẽ gửi hàng qua chuyển phát nhanh qua đường bưu điện. Để cẩn thận B đề nghị Tr gửi ảnh chụp chứng minh thư nhân dân để làm chứng.
B cũng đồng ý gửi trước 1 triệu đồng vào một số tài khoản mà theo Tr giới thiệu, đó là tài khoản của dượng chị ta. Sau khi gửi tiền, B nhận được điện thoại của Tr giãi bày rằng, bố của Tr biết chuyện bán điện thoại nên mắng chị ta vì chưa biết người mua là ai mà chỉ nhận có một nửa số tiền.
Sau đó B nhận được một cú điện thoại , xưng là bố của Tr và bị hỏi một thôi một hồi rằng B là ai, đáng tin cậy hay không…vv… sau đó ông ta yêu cầu B phải gửi nốt số tiền còn lại mới gửi máy điện thoại cho B, với lý do sợ bị...B lừa đảo. Để làm chứng ông này còn nói, đang giờ nghỉ trưa nên sẽ ra công an phường làm cái giấy mua bán và hỏi thông tin của B để ông ta làm giấy. Tất cả chừng ấy động tác của “ông bố dượng” đã khiến B rút nốt số tiền còn lại đem gửi ngay lập tức.
Sau đó B nhận được lời hẹn, sẽ nhận được hàng sau 36h kể từ lúc B gửi tiền, qua đường bưu điện. Đợi mãi đến tối mà không thấy hàng, B vội lên trang chủ của VNPT để định vị bưu kiện, lúc đó sực nhớ ra phải có mã bưu kiện nên B nhấc máy gọi lại cho “ông bố dượng” của Tr và lúc này B mới biết mình bị lừa, khi máy đổ chuông hoài mà tiếng người mất hút.
Cũng mới đây, một nạn nhân khác ở Yên Bái lên mạng chia sẻ bị quả lừa dù đã nêu cao cảnh giác. “Lang thang” trên mạng để tìm mua máy ảnh, T.M.T tìm được một người rao bán máy ảnh Canon DLRS 40D với giá 7 triệu đồng. Sau khi liên lạc, T được người bán hàng yêu cầu gửi trước 1 khoản tiền để làm tin.
Để tăng lòng tin, người bán còn “dễ dãi” rằng, sẽ gửi máy ảnh cho T, nếu không đồng ý thì có thể trả lại và họ sẽ gửi trả lại tiền. Nghe hợp lý T đã ra gửi trước 1,5 triệu đồng. Sau đó, người bán tiếp tục yêu cầu T gửi nốt số tiền còn lại mới chuyển máy. Người này cho T số điện thoại của nhân viên chuyển hàng để T có thể hỏi làm tin.
Tuy nhiên sau khi T gọi điện hỏi, thông qua cách nói chuyện, T đã nghi ngờ họ là một. T đã lên Google để tìm kiếm thông tin về họ và T phát hiện hai người T đã giao dịch là bạn của nhau. Hai người này cùng ra thông tin bán máy ảnh đó, nhưng họ đăng tin với tên khác nhau, và địa danh cũng khác nhau trên nhiều trang web. Tìm kiếm thêm, T thấy họ rao bán rất nhiều thứ, chủ yếu là điện thoại đắt tiền, laptop với rất nhiều tên cũng khác nhau nhưng đều chung 2 số điện thoại của hai người đó. T đã gọi điện vào số điện thoại họ đã cho, máy đổ chuông nhưng người, tiền và hàng vẫn lặn tăm.
Cách đây hơn một năm, trên trang enbac.com, Ban quản trị mạng đã phải truy tìm những kẻ lừa đảo làm ảnh hưởng tới uy tín của trang mua bán này. Sau khi thông tin bắt được hai kẻ lừa đảo, mới biết rất nhiều nạn nhân bị lừa nhưng không biết kêu ai và họ đều tặc lưỡi coi như “ngu phí”, bởi chỉ mất cũng vài trăm nghìn hoặc vài triệu. Nhờ công an truy tìm một kẻ không biết là ai trên mạng để lấy lại vài trăm nghìn thì quả là mất thời gian.
Thương mại điện tử trá hình?
N.T.T là sinh viên của trường ĐHM, cũng đang là nạn nhân của một trò lừa đảo tinh vi đến mức T chỉ còn biết kêu “đúng là phải mất tiền ngu!”.
Thông qua một người bạn, N.T.T được giới thiệu đến một công ty đào tạo mua bán trực tuyến để làm thêm. T đã đến công ty này ở tại Khương Hạ, Hà Nội và được nghe “thuyết giáo” cách thức kiếm tiền. Rất đơn giản là T chỉ việc giới thiệu càng nhiều người vào hệ thống mua gian hàng ảo trên trang mua ban24.vn càng tốt. Giới thiệu 1 người thì được nhận 1,5 triệu đồng. Tuy vậy muốn vào làm, trước hết T phải bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua một gian hàng ảo.
Không biết cô nhân viên ở công ty “thôi miên” kiểu gì, sinh viên nghèo như T phải chạy vạy tứ tung mang nộp ngay số tiền trên. Khi vào công ty này làm, T bỗng dưng nhận ra rằng, “gian hàng ảo này mình sẽ bán cái gì?, vốn đâu để mua hàng đưa lên mạng bán? “.Đem thắc mắc này hỏi nhân viên tư vấn tại công ty, T nhận được câu trả lời rằng “muốn bán gì thì bán!”, “vốn thì đi vay bạn bè”.
Duy có một cách thức được công ty này giảng dạy kỹ nhất đó là kĩ năng giao tiếp để làm sao lôi kéo, mời mọc bạn bè, người thân của mình vào mua gian hàng ảo với giá như T đã mua. Họ (Công ty đào tạo mua bán trực tuyến) không quan tâm những người tham gia sẽ kinh doanh cái gì mà chỉ quan tâm kéo được bao nhiêu khách hàng mua gian hảng ảo.
T cho biết, những người đến công ty này làm thêm chủ yếu là sinh viên. Mà sinh viên thì làm gì có vốn để kinh doanh trên mạng. “ Không biết em lú lẫn thế nào mà đi vay tiền mua gian hàng ảo. Giờ em đành chịu mất tiền để rút ra khỏi hệ thống, vì không muốn bạn bè, người thân mình giới thiệu vào cũng bị lừa như thế”, T than thở.
Trong chỉ vậy, khi T nộp số tiền 5,2 triệu đồng, Công ty này không hề viết hóa đơn hay giấy biên nhận gì, khiến giờ T muốn đòi tiền cũng bó tay.
Đinh Bách/ VnMedia