Cập nhật lúc:
11/17/2012 11:22:39 AM
Theo quy luật hàng năm, từ tháng 10 là thời điểm bắt đầu tăng tốc sức mua ôtô trên thị trường, mở đầu cho thời kỳ sôi động nhất trong năm.
Theo quy luật hàng năm, từ tháng 10 là thời điểm bắt đầu tăng tốc sức mua ôtô trên thị trường, mở đầu cho thời kỳ sôi động nhất trong năm.
Thế nhưng năm nay Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhận định, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu “trái quy luật khi không tăng trưởng vào mùa bán hàng truyền thống hàng năm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán” - bất chấp những nỗ lực quảng bá, giảm giá của các nhà sản xuất và phân phối xe.
Lượng xe bán ra giảm 37%
Theo VAMA, trong tháng 10 vừa qua doanh số bán lẻ thực tế của các thành viên VAMA và xe nhập khẩu nguyên chiếc của các đơn vị không phải là thành viên VAMA đạt 7.998 xe, tăng 4% so với tháng trước đó và giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe lắp ráp trong nước đạt 6.782 xe, tăng 4% so với tháng trước, xe nhập khẩu nguyên chiếc là 1.216 xe, tăng 4% so với tháng trước.
Phân loại xe theo phân khúc thị trường, doanh số xe con tháng qua đạt 3.128 chiếc, tăng 9% so với tháng trước, trong khi xe tải đạt 4.870 chiếc, tăng 1,4% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến hết tháng 10 vừa qua, tổng sản lượng bán hàng ôtô của toàn bộ các thành viên chỉ đạt 63.358 xe, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc xe thương mại giảm 25%, xe đa dụng giảm 33% còn phân khúc xe con giảm 39,7%.
VAMA cũng cho biết doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 10 tăng lên là nhờ các lô bán hàng dự án lớn. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán hàng của thị trường trong 10 tháng qua giảm 37%.
Điều VAMA quan ngại cho tương lai thị trường là khi tách 400 xe của các hợp đồng dự án ra khỏi doanh số bán hàng của tháng 10, doanh số bán hàng trong tháng 10 không tăng so với tháng Chín. Điều này cho thấy, sức tiêu thụ xe không hề tăng trưởng vào mùa bán hàng truyền thống hàng năm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán hàng năm.
Cùng chung cảnh ngộ với xe lắp ráp trong nước, nhiều đại lý kinh doanh xe nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết những tháng gần đây, hầu như không có khách ghé thăm. Thậm chí, nhiều đại lý kinh doanh xe sang cả năm nay không bán được chiếc xe nào, một số chủ salon còn tính tới chuyện cho thuê xe làm đám cưới, ký kết hợp đồng, thậm chí tìm kiếm việc làm khác để gỡ gạc chút tiền trang trải chi phí cho lương nhân viên, trả lãi ngân hàng, thuê mặt bằng…
Theo đó, giá cho thuê có thể từ 500 đến 1.000 USD/ngày đối với các dòng xe trị giá 500.000 USD; những chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng, giá cho thuê căn cứ vào đó mà lên đến hàng chục triệu đồng/ngày. Thế nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và cũng rất kén khách nên các hợp đồng được ký kết rất ít ỏi.
Doanh nghiệp ồ ạt giảm giá để kích cầu
Trước tình trạng thị trường xe sản xuất trong nước lẫn xe nhập khẩu ế ẩm, để kích cầu các doanh nghiệp rầm rộ tung chiêu khuyến mãi, tặng quà hay giảm giá xe nhằm giảm bớt gánh nặng tồn kho. Trong đó, phải kể đến trước thềm triển lãm ôtô Việt Nam, Mercesdes-Benz Việt Nam thực hiện “Chương trình khuyến mãi đặc biệt,”, hỗ trợ 5% phí khi mua bất kỳ mẫu xe du lịch nào của hãng, cộng thêm nhiều lợi ích bất ngờ tùy vào từng mẫu xe.
Cũng trong sự kiện này, Audi Việt Nam cũng mạnh tay thực hiện gói hỗ trợ, thực chất là giảm giá từ 40 đến 500 triệu đồng (tùy vào mẫu xe) cho khách hàng. Không nằm ngoài xu thế đó, trong tháng 11 này, Motor Image Vietnam áp dụng chương trình giảm giá hấp dẫn cho khách hàng khi mua các dòng xe mang thương hiệu Subaru lên đến đến 207 triệu đồng (tùy theo dòng xe).
Hay hãng BMW Euro Auto áp dụng mức hỗ trợ lên đến 80 triệu đồng và “Bộ chăm sóc nội thất chính hãng BMW,” trị giá 1,9 triệu đồng khi khách hàng mua xe X1 28i và 523i từ nay đến hết ngày 18/11 tới đây. Honda Việt Nam cũng kích cầu bằng việc giảm giá đến 65 triệu đồng cho khách hàng mua xe CR-V từ 15/11 đến hết 31/12 tới thông qua sổ tiết kiệm của Ngân hàng HD Bank…
Mặc dù các doanh nghiệp mạnh tay giảm giá như vậy từ trước đến nay, nhưng với những gì thể hiện ở báo cáo bán hàng của VAMA trong tháng qua cho thấy, sức tiêu thụ không như mong đợi và trái với quy luật hàng năm.
Với kết quả bán hàng trên, VAMA dự báo sức tiêu thị toàn thị trường năm nay sẽ kết thúc với khoảng 94.000 chiếc, tăng 0,5% so với dự báo tháng 9/2012. Một trong những nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm, theo Chủ tịch VAMA Laurent Charpentier, một phần do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhưng nguyên nhân chính vẫn nằm ở các yếu tố nội tại như chính sách quản lý của Nhà nước khiến tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Với mặt hàng ôtô, Nhà nước luôn đánh thuế cao, đồng thời xếp vào danh mục các loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đến nay, ôtô phải "gánh" tới năm loại thuế và chín loại phí, chưa kể đến việc đang rậm rịch thu phí chuyển đổi chủ sở hữu xe… Điều này khiến người dân lo ngại với các chính sách nhằm hạn chế ùn tắc giao thông... dẫn đến giá xe ở Việt Nam ở mức cao "nhân tạo" làm cho sức mua bị hạn chế.
Ông Laurent Charpentier khẳng định rằng chỉ khi gánh nặng tâm lý này được trút bỏ, thị trường ôtô mới có thể khởi sắc được./.
Theo Văn Xuyên
TTXVN
|