Tới ngã ba Liên Khương (Đức Trọng) còn phải đi thêm một đoạn đường hơn 10km mới đến trang trại của các anh Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Phú Quốc. Con đường dẫn vào trang trại được trải nhựa phẳng, hai bên là vườn cà phê đang chín. Những cây cà phê vối (robusta) sai trĩu quả đứng theo hàng lối bên dưới những tán cây cà phê mít rải rác. Rồi vườn cà chua, cà tím, ớt ngọt, ớt sừng... nối tiếp nhau xuất hiện. Những nhà màng, nhà lưới đang trồng hơn chục loại cà chua khác nhau, trong đó có ba nhà trồng cà chua công nghệ cao mà các anh đã cất công sang tận Malaysia để “tầm sư học đạo”.
Sang Malaysia học cách trồng cà chua
Một mô hình cần nhân rộng
GS Nguyễn Quốc Vọng - người đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về nông nghiệp tại Nhật Bản, Úc - cho biết: “Tôi đã từng đến trang trại của các anh Cường, Quốc, Dũng tại Đức Trọng và thấy đây là một mô hình đáng trân trọng và cần nhân rộng đối với Việt Nam trong thời gian tới. Đây có thể được coi là những nông dân đi tiên phong làm nông nghiệp cao thật sự. Mô hình này đã bằng với các nước trong khu vực và đang hoàn thiện để đạt bằng các nước tiên tiến như Úc”.
|
Anh Quốc kể hồi mới làm nông nghiệp công nghệ cao, do chủ yếu làm theo thói quen nên cây trồng phát triển không như ý muốn. Đang loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì nghe công ty bán hạt giống của Hà Lan cho biết ở Malaysia chuẩn bị có hội thảo chuyên về trồng cà chua công nghệ cao của khu vực Đông Nam Á. “Nông nghiệp công nghệ cao của Malaysia tôi nghe lâu rồi, nhưng chưa nghĩ có ngày sang tận nơi xem người ta làm.
Chỉ đến khi cà chua mình trồng không như ý, tôi mới chú tâm, liên hệ lịch trình của họ và rủ thêm hai anh Nguyễn Anh Dũng (ở Đức Trọng) và Nguyễn Minh Cường (ở Đơn Dương) đi cùng” - anh Quốc cho biết. Tháng 9-2013, ba nông dân Lâm Đồng bỏ tiền túi mua vé máy bay sang Malaysia xem người ta làm nông nghiệp dù không biết tiếng Anh. Cũng may nhờ sự kết nối của công ty hạt giống và sự hỗ trợ của các chuyên gia nông nghiệp nên tính ra cả chuyến đi kéo dài năm ngày mà mỗi người chỉ tốn hơn 10 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi vào một nhà màng nơi cây cà chua đã cao quá 2m nhưng có nhiều lá vàng, anh Quốc giải thích: “Giờ đã đỡ hơn nhiều rồi, chứ lúc trồng được một tháng lá vàng nhiều lắm, tưởng phải bỏ. Đây là đợt cà chua trồng theo công nghệ tôi tự làm trước khi đi Malaysia nên kết quả mới tệ thế. Còn nhà trồng cà chua sau chuyến đi Malaysia thì bên kia, đáng đồng tiền bát gạo lắm”. Anh Quốc cho biết hiện diện tích trồng cà chua công nghệ cao chia làm bốn nhà. Ngoài lứa đầu bị vàng ngọn đã xử lý xong, còn lại là “đẹp tuyệt vời”. Quả không sai, ngay bên cạnh nhà lưới thứ nhất là một nhà lưới thứ hai nhưng trông khác hẳn. Toàn bộ khu vực rộng trên 2.000m2 xanh mát một màu lá cà chua đang kỳ sung sức. Những cây cà chua khỏe khoắn bám vào dây leo lên cao và tỏa lá sang hai bên. Và ở giữa thân, cơ man nào là cà chua đủ mọi kích cỡ, căng tròn, da bóng loáng.
Cà chua tại đây không trồng bằng đất mà trồng trên giá thể trơ (những bao giá thể cao khoảng 20cm đặt trên mặt đất), hỗn hợp xơ dừa và trấu hun, hầu như không chứa chất dinh dưỡng hay nước và chỉ có nhiệm vụ cho rễ cây bám víu. Dùng giá thể có cái lợi là khi hết vụ có thể đem ra ngoài phơi khô rồi trồng tiếp ba lần liên tục như vậy mới phải thay mới.
Trong khi trồng cà chua trên đất thường chỉ được 1-2 vụ là đất bị nhiễm bệnh không trồng được, phải trồng loại cây khác cả năm sau mới trồng lại được cà chua. “Không những vậy, trồng trên đất thì khi cây ăn hết chất gì trong đất mà mình không biết để bổ sung vào kịp cây cũng chết hoặc không đảm bảo chất lượng sản phẩm” - anh Dũng chia sẻ. Trong quy trình trồng cà chua công nghệ cao, khác biệt là quản lý về dinh dưỡng theo tuổi của cây. Toàn bộ việc cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây sẽ do hệ thống tưới nhỏ giọt đảm nhiệm.
Mỗi ngày, hệ thống này tưới bảy lần cho vườn cà chua, hàm lượng chất dinh dưỡng được pha chế trong nước tùy vào từng giai đoạn phát triển của cây. Ngoài ra, toàn bộ khu vực trồng được bao quanh bởi lưới và màng trên mái để tránh tác động trực tiếp của mưa nắng, hạn chế sự thâm nhập của các loài côn trùng không mong muốn cũng như để quản lý tốt hơn về dịch bệnh.
|
Các nông dân Đức Trọng tham quan trang trại rau công nghệ cao tại Malaysia |
“Học một sàng khôn”
Anh Nguyễn Anh Dũng cho hay từ lúc làm theo kiến thức của chuyên gia, các nông dân trong đợt đi Malaysia vừa rồi biết chắc là đã lời gấp mấy lần số tiền bỏ ra. “Trước đó ở nhà đã thử nhiều lần nhưng không biết cách làm, không biết cách quản lý, sử dụng phân bón. Mình về cải tiến thấy tốt hơn nhiều. Chỉ cần nhìn cà chua cũ so với vườn mới là biết ngay. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn”- anh Dũng nói. Anh Quốc cho hay hội thảo về cây cà chua giá thể ở Malaysia có chuyên gia từ các nước trong khu vực về như Thái Lan, Indonesia.
Anh đúc kết: “Đi năm ngày hội thảo và tham quan vườn mới thấy người ta làm nông nghiệp khác mình lắm. Dân Malaysia trồng cà chua công nghệ cao đơn giản như trồng bắp bên mình. Sang đó mới hiểu vì sao họ xuất khẩu được còn mình thì không. Bởi vì họ làm giống công nghiệp, quy trình chăm sóc như nhau, sản phẩm tạo ra đồng nhất về kích cỡ, màu sắc và chất lượng”.
Nếu quản lý tốt thì từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch chín tháng, còn trung bình sáu tháng. Lứa đầu này dự tính mỗi cây cà chua cho thu hoạch 5-6kg quả, sau đó có thể nâng năng suất lên 10kg/cây. Bây giờ năng suất đã đạt trên 120 tấn/ha, gấp ba lần trồng bên ngoài. Không chỉ năng suất cao, trồng theo quy trình công nghệ cao trong nhà tránh được mưa nắng nên dùng rất ít thuốc trừ sâu. Các chất dinh dưỡng được quản lý tốt nên cà chua đem đi phân tích cho chất lượng tốt hơn nhiều so với trồng bên ngoài. Hiện toàn bộ sản phẩm của ba anh được Công ty TNHH Phong Thúy (Đức Trọng) bao tiêu hết.
Anh Quốc kể hồi đi cao nguyên Cameron (Malaysia), điều kiện khí hậu tương tự Đà Lạt của Việt Nam, song hơn 80% dành làm nông nghiệp công nghệ cao. Làm nông nghiệp công nghệ cao mà rất đơn giản, nhẹ nhàng chứ không như mình nghĩ. Quy mô 100-200m2 cũng làm công nghệ cao, trồng cà chua dễ như trồng bắp ở bên mình. Bên đó cũng không có trung gian nhiều như ở Việt Nam, các nhà bán lẻ đưa thùng chứa đến tận nông trại, nông dân thu hoạch cho vào thùng và gửi cho nhà phân phối chứ không có thương lái đến tận vườn đặt hàng như bên mình.
Không chỉ học được cách làm nông nghiệp công nghệ cao, chuyến đi vừa rồi còn giúp các nông dân Lâm Đồng thêm một ý tưởng mới, đó là làm du lịch nông nghiệp. Anh Dũng cho hay hầu như các trang trại của Malaysia đều là điểm du lịch. “Tôi đang mơ đến một ngày, trên đường từ Đà Lạt ra sân bay Liên Khương hay trở về TP.HCM bằng đường bộ, du khách ghé thăm các trang trại, tự tay lựa chọn những trái cà chua, dưa leo, ớt ngọt, hay các loại rau khác về làm quà tặng hoặc nấu bữa ăn cho gia đình” - anh Dũng nói.
Theo Trần Mạnh