Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Thụy Sĩ giữa tuần này sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận về nông nghiệp, trong đó có phần phát biểu của Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã chỉ ra nhiều thách thức của ngành nông nghiệp thế kỷ XXI, rõ nhất là việc sức sản xuất phải cao hơn để đáp ứng quy mô dân số, trong khi lực lượng lao động nông thôn ngày càng giảm. Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ lên gần 10 tỷ người, tốc độ đô thị hóa cũng tăng mạnh khi có tới 70% sẽ sống ở thành thị, so với khoảng 50% hiện nay. Ngành nông nghiệp cũng phải cung cấp nhiều hơn nguyên liệu cho ngành năng lượng sinh học đang phát triển mạnh, thông qua phương thức sản xuất hiệu quả và bền vững hơn...
Trước những vấn đề trên, từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về chủ đề Đông Á tổ chức tại TP HCM tháng 5/2010, sáng kiến "Tầm nhìn mới cho ngành Nông nghiệp" đã được lãnh đạo nhiều quốc gia và doanh nghiệp khởi động, với mục tiêu xây dựng mô hình mới và tăng năng suất, điều kiện sống và lao động của nông dân trong 5 lĩnh vực gồm cà phê, chè, thủy sản, rau củ quả và hàng hóa nông sản (ngô, đậu tương...). Đến nay, sáng kiến đã được thực hiện trong ba nước của châu Á là Việt Nam, Indonesia và Myanmar, cùng sự tham gia của 250 tổ chức và hơn 800 nhà lãnh đạo.
|
Xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững là thách thức toàn cầu. Ảnh: WEF
|
Với riêng Việt Nam, sáng kiến Tầm nhìn cho ngành Nông nghiệp mang nhiều ý nghĩa. Do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và các điều kiện tự nhiên, kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào nông nghiệp và thủy sản với các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, trái cây (chuối, thanh long), gia cầm, thủy sản... Nông nghiệp đóng góp lớn cho nền kinh tế, năm 2012, ngành đóng góp 21,5% GDP; 20,8% kim ngạch xuất khẩu và gần 50% dân số làm việc trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ngành mũi nhọn này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, nguồn nước bị sử dụng quá mức và lượng phát thải nhà kính quá cao. Sản lượng hàng hóa có thể không đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cũng như không đạt được mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu do Chính phủ đề ra, Sách trắng năm 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề cập. Tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp trong GDP đã giảm từ 46,3% năm 1988 xuống còn 22% năm 2012. Tỷ trọng dân số làm việc trong ngành cũng giảm từ 67% năm 1997 xuống 47,5% năm 2011.
Ngay trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bộc bạch những trăn trở với ngành nông nghiệp: "Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt".
Trở về từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2013, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT - Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng cảnh báo: "Một đất nước 60 triệu dân sống ở nông thôn mà để tam nông lạc hậu thì rất nguy hiểm. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên suy nghĩ về vấn đề ưu tiên phát triển nông nghiệp và đặt câu hỏi tại sao ngành này lại không phát triển được như mong muốn".
Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh trọng tâm năm nay phải là đẩy nhanh tái cơ cấu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp."Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Tầm nhìn mới cho chiến lược nông nghiệp 10 năm cũng được Chính phủ thông qua với sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân. Sáu nhóm công tác thực hiện Sáng kiến do WEF khởi xướng đã được hình thành gồm thủy sản, cà phê, rau củ quả, chè, hàng nông sản (đậu tương, ngô) và các giải pháp hỗ trợ cho nông nghiệp.
Qua ba năm thực hiện, đại diện WEF cho hay Việt Nam đã thu được một số thành tựu. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cà phê năng suất đã tăng 10%, lượng nước tiêu thụ giảm 14% và lượng khí thải giảm 54%. Kim ngạch xuất khẩu chè cũng tăng 3 lần lên 10.000 tấn. Ngành thủy sản cũng tăng được lượng chứng chỉ chứng nhận, trong khi Chính phủ đã có những thay đổi về thể chế để hỗ trợ nông nghiệp, trong đó có một Hội đồng chuyên đề xuất về cà phê.
Sắp tới, người đứng đầu Chính phủ còn khẳng định Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.
Ngoài ra, thông điệp cũng khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Để hiện thực hóa, từ ngày 10/2/2014, Nghị định 210 về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực, trong đó, các dự án trong lĩnh vực "xanh" sẽ được miễn, giảm, hỗ trợ tiền thuê đất và hưởng nhiều ưu đãi khác.
Cùng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam và các nước trong nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, với sự đồng ý và hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, "Sáng kiến Tầm nhìn mới trong ngành Nông nghiệp" sẽ được đưa lên tầm khu vực với tên gọi “Grow Asia” và công bố chính thức tại Hội Nghị thường niên của WEF tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 22-25/1 tới. Trong dịp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát sẽ có bài phát biểu về kinh nghiệm và chiến lược phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp của khu vực.
Phương Linh
Theo: www.vnexpress.net